Thịnh Hành 4/2024 # Hà Giang Nơi Địa Đầu Của Tổ Quốc # Top 9 Yêu Thích

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 350km về phía Bắc, Hà Giang là tỉnh miền núi cực bắc của Tổ quốc. Được nghe, xem qua truyền hình, sách báo, nay mới có dịp lần đầu được tới nên ai cũng thấy hồi hộp, háo hức. Gần 6 tiến đồng hồ trên xe ô tô, chúng tôi đã có mặt ở Thành phố Hà Giang.

Đón đoàn công tác là các cán bộ của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang, trong đó có nhiều gương mặt rất quen thuộc, công tác lâu năm trong ngành như Bs. Hoàng Quốc Lập, Giám đốc, Bs. Hoàng Thanh Thoát, Phó Giám đốc cùng các anh chị em khác công tác tại Trung tâm. Mỗi dịp đi công tác tại địa phương cũng là dịp các cán bộ trong nghành Da liễu gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong công việc.

Hà Giang là một tỉnh miền núi, vùng cao phía Bắc, tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố, trong đó có 4 huyện vùng cao núi đá, 9 huyện khó khăn nhất cả nước. toàn tỉnh có 195 xã phường, thị trấn thì có 112 xã đặc biệt khó khăn. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dân trí còn thấp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có đường biên giới dài hơn 274 km tiếp giáp với Trung Quốc với 33 xã và 1 thị trấn biên giới. Diện tích tự nhiên là 7.945,79 km2, dân số năm 2011 là 726.980 người với 22 dân tộc, trong đó dân tộc H’Mông chiếm 31.15%.

Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang hiện tại có 4 bác sỹ chuyên khoa Da liễu trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I, phụ trách địa bàn rộng lớn trên toàn tỉnh nên công việc gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông đi lại khi tiến hành khám, phát hiện và theo dõi bệnh nhân phong. Kinh phí hoạt động của chương trình còn eo hẹp, dân cư ở thưa thớt trên địa bàn vùng núi cao, phương tiện đi lại của các cán bộ chủ yếu là xe máy nên rất khó cho việc khám phát hiện và giám sát tàn tật cho bệnh nhân phong. Có những đợt đi công tác khám phát hiện bệnh nhân phong mới, các cán bộ của Trung tâm phải đi mất cả tuần, khi thời tiết không thuận lợi, có mưa lũ, công việc lại càng vất vả và khó khăn hơn nhiều.

Tình hình bệnh phong: từ 2008 tới 2010 trung bình mỗi năm tỉnh Hà Giang phát hiện được 2 bệnh nhân phong mới, hầu hết là thể nhiều vi khuẩn MB. Tỷ lệ tàn tật độ 2 cao. Trong 6 tháng đầu năm 2011 đã phát hiện được 2 bệnh nhân phong mới. cả 2 đều là phong thể MB, tàn tật độ 2. Hàng năm, trung tâm thường xuyên tổ chức khám điều tra phát hiện bệnh nhân phong mới, tập huấn các kiến thức cơ bản về bệnh phong cho các cán bộ y tế cơ sở, tổ chức thông tin tuyên truyền về bệnh phong trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện sớm bệnh phong, phòng tránh tàn tật. Nhiều bệnh nhân phong mới phát hiện trong các năm gần đây đều chủ động tới khám tại các cơ sở y tế khi phát hiện những bất thường trên da hoặc các thay đổi trên da có mất cảm giác.

Chương trình phòng chống các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục tại tỉnh Hà Giang trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hạn hẹp, trung tâm chưa có cơ sở khám chưa bệnh nên phần lớn các bệnh nhân bị bệnh lây truyền qua đường tình dục tới khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc là tại các cơ sở y tế tư nhân nên việc theo dõi, quản lý và giáo dục y tế còn gặp nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Theo sự giới thiệu của các bác sĩ của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang, chúng tôi tới khám bệnh cho các bệnh nhân gặp khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Tại đây, chúng tôi đã tiến hành khám hội chẩn cho một bệnh  nhân nữ 52 tuổi. Bệnh nhân bị bệnh từ hơn 2 năm nay, tổn thương cơ bản là các sẩn màu đỏ ở vùng mặt, nhiều ở mũi và hai bên gò má kích thước khoảng 0.5-1cm đường kính, mật độ chắc, ranh giới rõ, không đau, không ngứa. Bệnh nhân đã được điều trị bênh bằng nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi trong thời gian dài nhưng không đỡ, bệnh tiến triển chậm. Các tổn thương có hình thái, màu sắc rất giống với Hồng ban nút trong bệnh phong và đang được dự kiến cho điều trị thử đáp ứng với thuốc chống phong. Sau khi tiến hành khám hội chẩn, TS. Nguyễn Duy Hưng đã thống nhất, loại trừ chẩn đoán phong và hướng đến chẩn đoán Trứng các đỏ (Rosacea) với tổn thương đã bị biến đổi hình thái, là hậu quả do điều trị thuốc bôi có chứa corticoid kéo dài. Bệnh nhân đã được kê đơn, hướng dẫn điều trị cụ thể bằng các thuốc phù hợp và theo dõi định kỳ do các bác sĩ cơ sở đảm trách.

Hình ảnh tổn thương da của bệnh nhân

Các cán bộ của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang đã đưa chúng tôi tham quan huyện Đồng Văn. Đây là huyện biên giới giáp Trung Quốc với địa hình toàn cao nguyên núi đá, với đa số đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người H’Mông. Trình độ dân trí của nhân dân nơi đây còn thấp, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tới thăm thị trấn Đồng Văn, một thị trấn vùng biên giới khá sầm uất với nhiều dân tộc, nhiều nét văn hóa rất riêng, rất sinh động, nhiều máu sắc. Phiên chợ vùng cao vào buổi sáng chủ yếu với những nông thổ sản của người dân địa phương nơi đây thực sự sôi động, sầm uất và đầy ắp tiếng cười rộn rã, tươi vui. Những khuôn mặt hồn hậu, chất phác, cách nói chuyện than mật, cởi mở của đồng bào nơi đây làm chúng tôi thực sự ấn tượng và nhớ mãi. Tới thăm quan Khu di tích Nhà Vương chúng tôi được xem tòa nhà cổ kính bằng đá tráng lệ, được nghe những câu chuyện như huyền thoại về ông Vua Mèo Vương Chính Đức và người con trai Vương Chí Sình. Những câu chuyện tưởng như vẫn còn mới như ngày hôm qua, vẫn được người dân nơi đây tự hào, biết và nhớ mãi. Đặc biêt, chúng tôi đã được đi thăm quan Cao nguyên núi đá Đồng Văn đúng vào thời điểm Cao nguyên núi đá Đồng Văn đang được UNESCO tiến hành công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Những đỉnh núi đá tai mèo nhọn hoắt, cao vun vút nối tiếp nhau trải dài gần như vô tận thực sự có sức thu hút, lôi cuốn đầy ma lực đối với tất cả mọi thành viên trong đoàn. Tới thăm cột cờ Lũng Cú, nơi biên cương địa đầu cực bắc của Tổ quốc đã để lại những ấn tượng, cảm xúc thật đặc biêt,  rất khó diễn tả hết bằng lời. Có cái gì đó vừa tự hào, vừa thiêng liêng khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, đứng dưới lá cờ của Tổ quốc. Chúng tôi tự hào về những trang sử chống ngoại xâm oanh liệt, hào hung đầy máu và nước mắt của các thế hệ cha ông để bảo vệ biên cương, lãnh thổ. Tất cả đều có chung cảm giác ra sức quyết tâm lao động, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Chia tay trong bầu không khí nồng ấm tình cảm bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi càng hiểu và thông cảm với những khó khăn của các cán bộ nơi đây. Chúng tôi gửi lời chúc sức khoẻ và tin chắc với sự tâm huyết và hết lòng cố gắng vì người bệnh, các cán bộ của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang sẽ vượt qua được khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Bs. Hà Tuấn Minh/Bệnh viện Da liễu TW