Xem Nhiều 5/2024 # Loãng Xương: Chẩn Đoán Và Điều Trị # Top 0 Yêu Thích

Loãng xương: Chẩn đoán và điều trị

LOÃNG XƯƠNG: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

         

Loãng xương (Osteoporosis) là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa của bộ xương, đặc trưng bởi tình trạng giảm mật độ chất khoáng của xương và tổn thương giáng hóa trong cấu trúc của tổ chức xương, hậu quả là làm giảm sức mạnh của xương và xương trở nên dễ gãy.

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

          Loãng xương xuất hiện do mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương, trong đó quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn quá trình tân tạo xương, hậu quả là khối lượng xương giảm dần, cùng với những thay đổi thoái giáng trong mô xương làm cho xương trở nên dễ gãy.

          Các yếu tố nguy cơ:

Tiền sử gia đình có người bị loãng xương hoặc gãy xương.

Thể trạng nhỏ bé (BMI<19), suy dinh dưỡng, kém phát triển thể chất từ nhỏ.

Ít hoạt động thể lực, nằm lâu ngày do bệnh.

Lạm dụng bia rượu, cà phê, thuốc lá…

Mãn kinh sớm.

Sử dụng dài hạn một số thuốc: corticosteroid, thuốc tiểu đường, kháng đông, chống ung thư, PPI,…

Các bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, Lupus ban đỏ hệ thống, suy thận, cường giáp, cường cận giáp, bệnh máu, bệnh đường tiêu hóa,…

2. Chẩn đoán Loãng xương bằng cách nào?

Các biểu hiện hay gặp khi Loãng xương:

Đau lưng

Biến dạng cột sống: gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao…

Gãy xương sau chấn thương nhẹ, tai nạn sinh hoạt, thậm chí không rõ chấn thương.

Phương pháp mới nhất trong chẩn đoán chính xác Loãng xương hiện nay đó là Đo mật độ xương (DEXA):

Xương bình thường: T score ≥ -1

Thiếu xương: -2,5 < T score < -1

Loãng xương: T score ≤ -2,5

Máy đo loãng xương

3. Các phương pháp điều trị loãng xương

          Mục tiêu cơ bản của dự phòng và điều trị loãng xương là ngăn chặn tình trạng gãy xương. Điều đó có thể đạt được bằng cách:

– Tăng cường khối lượng xương trong giai đoạn phát triển xương.

– Ngăn chặn sự mất xương.

– Phục hồi vô cơ hóa xương và cấu trúc xương đã có loãng xương.

3.1. Các biện pháp không dùng thuốc

          Cần thay đổi lối sống, một số thói quen sinh hoạt là góp phần quan trọng vào việc tăng sức khỏe cho bộ xương của mỗi người.

– Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:

          + Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…

          + Tập sức mạnh cho cơ: tập kháng lực, nhấc vật nặng phù hợp với khả năng của từng người nếu không có chống chỉ định.

– Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời. Nếu cần, có thể sử dụng cả thuốc để bổ xung canxi và vitamin D. Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, không hút thuốc lá…

3.2. Các biện pháp dùng thuốc

* Thuốc bổ sung bắt buộc:

+ Đảm bảo đủ lượng canxi đưa vào cơ thể 1.000 – 1200mg/ ngày

+ Đảm bảo đủ lượng vitamin D đưa vào cơ thể 800 – 1.000IU/ ngày.

* Các thuốc chống hủy xương: Ức chế hoạt động của tế bào hủy xương

+ Alendronate: Fosamax plus (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 2.800IU) hoặc Fosamax 5600 (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 5.600IU).

Liều lượng: 1 viên/ tuần

Cách dùng: uống vào buổi sáng, khi đói. Bệnh nhân không nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút nhằm làm giảm biến chứng viêm loét thực quản.

+ Zoledronic acid (Aclasta, 5mg/ 100ml)

Liều lượng: 1 chai 5mg/ năm, liều duy nhất

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch chậm 1 chai 5mg/ 100ml trong thời gian trên 30 phút.

Cần đảm bảo đủ lượng canxi và vitamin D cho bệnh nhân trước truyền thuốc.

Chống chỉ định: bệnh nhân có chức năng thận suy giảm (hệ số thanh thải Creatinin ≤ 30ml/ phút) hoặc những bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

          + Calcitonine:

Chỉ định: bệnh nhân mới có gãy xương kèm đau xương nhiều do loãng xương. Cần kết hợp điều trị cùng nhóm biphosphonate.

Liều lượng: 50-100IU/ ngày, trong vòng 10-15 ngày/ đợt điều trị

Cách dùng: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp sau ăn.

Thận trọng: một số trường hợp có tiền sử dị ứng cần thử test da trước khi tiêm, không sử dụng thuốc liên tục, kéo dài.

– Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs): Raloxifen (Evista)

Chỉ định: phụ nữ loãng xương sau mãn kinh

Liều lượng: viên 60mg/ ngày, thời gian dùng không quá 2 năm

* Các nhóm thuốc khác:

– Nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương: Strontium ranelate (Protelos):

Liều dùng 2g/ ngày

Cách dùng: uống một lần duy nhất vào buổi tối, sau ăn 2h

Tuy nhiên, do những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc trên hệ tim mạch nên hiện thuốc chưa được áp dụng điều trị rộng rãi trên lâm sàng

– Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Deca-Durabulin và Durabolin

3.3. Điều trị các biến chứng

– Điều trị đau: theo bậc thang giảm đau của TCYTTG kết hợp với Calcitonine – Gãy xương: đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống hoặc thay đốt sống nhân tạo, kết xương hoặc thay khớp (nếu có chỉ định).

3.4. Điều trị lâu dài

– Theo dõi sát sự tuân thủ điều trị

– Đo lại mật độ xương sau mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị

– Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài, thường 3 -5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.

                                           BS Lê Thị Thùy Linh, Khoa Cán bộ