Xem Nhiều 5/2024 # Đau Nhức Xương Cánh Tay Trái, Phải Là Bị Bệnh Gì? # Top 0 Yêu Thích

Đau nhức xương cánh tay trái, phải thường xảy ra do chấn thương trong quá trình lao động và sinh hoạt. Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể biểu hiện của hội chứng ống cổ tay, đau mỏi vai gáy, viêm bao gân cổ tay và viêm khớp dạng thấp.

Nguyên nhân gây đau nhức xương cánh tay trái, phải

Đau nhức cánh tay đề cập đến triệu chứng đau, nhức và khó chịu ở cổ tay, khuỷu tay, ống tay và bắp tay. Triệu chứng này có thể khởi phát do tổn thương trực tiếp ở xương cánh tay nhưng cũng có thể là hệ quả do tổn thương ở các cơ quan lân cận.

1. Bong gân

Bong gân là một dạng tổn thương thường gặp, xảy ra khi dây chằng bao quanh xương bị tổn thương do kéo giãn quá mức. Bong gân thường xảy ra khi chơi thể thao, tai nạn trong quá trình làm việc, tai nạn giao thông hoặc té ngã do đi lại,…

Bong gân thường gây đau nhức tại vị trí tổn thương đi kèm với biểu hiện sưng viêm và bầm tím. Thông thường bong gân có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc và nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên với những trường hợp bong gân nghiêm trọng khiến dây chằng đứt hoàn toàn, bạn cần đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

2. Gãy xương

Gãy xương thường xảy ra do té ngã và tai nạn. So với bong gân, gãy xương có mức độ nghiêm trọng và thường gây đau nhức xương cánh tay dữ dội. Ở một số trường hợp gãy xương nặng, bạn có thể nhìn thấy chỏm xương nhô ra bên ngoài da.

Gãy xương là một dạng cấp cứu ngoại khoa, vì vậy bạn cần đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Chậm trễ trong việc xử lý xương bị gãy có thể làm mất máu nhiều và gây tổn thương vĩnh viễn.

3. Viêm bao gân cổ tay

Gân là một trong những bộ phận truyền lực đến xương, khớp và cơ bắp. Tuy nhiên việc lạm dụng khớp cổ tay (vận động khớp quá mức) có thể dẫn đến hiện tượng viêm gân. Bệnh lý này có thể gây đau nhức ở vùng cổ tay rồi lan tỏa ra toàn bàn tay và ống tay.

Ngoài triệu chứng đau, viêm bao gân cổ tay còn gây sưng đỏ, nóng ở vùng da bao bên ngoài, khớp phát ra âm thanh khi vận động,…

4. Hội chứng đau vai gáy

Đau vai gáy là bệnh lý thường gặp ở người làm công việc văn phòng, tài xế hoặc người thường xuyên mang vác nặng. Bệnh xảy ra khi vùng cơ ở cổ – vai gáy bị rối loạn, dẫn đến hiện tượng co cứng đột ngột gây đau nhức và tê bì. Với những trường hợp đau vai gáy kéo dài, triệu chứng đau có thể lan tỏa xuống bả vai và xương cánh tay.

5. Chấn thương vòng bít xoay

Chấn thương vòng bít xoay hay còn gọi là chấn thương Rotator cuff. Thuật ngữ này đề cập đến tổn thương ở các dây chằng quanh khớp vai, thường xảy ra sau khi chơi thể thao (cầu lông, tennis).

Tổn thương ở khớp vai có thể gây ra cơn đau lan tỏa sang bả vai, xương cánh tay,… Ngoài ra bệnh lý này còn gây cứng khớp, khó khăn khi nâng/ hạ cánh tay, sưng vùng da xung quanh khớp, khớp phát ra âm thanh khi vận động,…

6. Viêm khớp dạng thấp

Trong đợt bùng phát, viêm khớp dạng thấp có gây đau ở các khớp ngón tay rồi lan tỏa ra toàn bộ xương cánh tay. Bệnh lý này thường gây tổn thương có tính chất đối xứng, vì vậy nếu bị đau nhức cánh tay trái và phải cùng lúc, bạn nên xem xét về nguy cơ mắc bệnh.

7. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là thuật ngữ đề cập đến những triệu chứng phát sinh do dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép. Hội chứng này là một trong những nguyên nhân gây đau nhức xương cánh tay trái, phải.

Tùy thuộc vào mức độ chèn ép mà cơn đau có thể khu trú tại cổ tay hoặc lan tỏa ra bàn tay và toàn bộ cánh tay. Ngoài ra hội chứng này còn gây rối loạn cảm giác ở các đầu ngón tay và hạn chế khả năng vận động.

Điều trị triệu chứng đau nhức xương cánh tay trái, phải

Đau nhức xương cánh tay là một trong những triệu chứng phổ biến và có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Với những trường hợp đau nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà và sử dụng thuốc không kê toa.

Tuy nhiên nếu đau nhức xương cánh tay dữ dội, bạn cần chủ động thăm khám và áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sau được bác sĩ chỉ định.

1. Đối với trường hợp đau nhẹ

Với trường hợp đau nhức xương cánh tay nhẹ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp giảm đau sau:

Nghỉ ngơi: Hầu hết những cơn đau nhẹ đều khởi phát do tình trạng vận động quá mức. Do đó để cải thiện cơn đau và hồi phục khớp, bạn nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động từ 1 – 5 ngày.

Chườm lạnh: Nếu bị đau nhức do chấn thương sau khi lao động hoặc chơi thể thao, bạn có thể dùng túi chườm đắp trực tiếp lên cánh tay trong vòng 20 phút. Thực hiện từ 2 – 3 lần/ ngày có thể làm giảm hiện tượng viêm và cải thiện cơn đau rõ rệt.

Sử dụng thuốc không kê toa: Để cải thiện triệu chứng đau nhức xương cánh tay bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa như Paracetamol, Diclofenac, Ibuprofen,… Với những trường hợp không có vết thương hở, bạn nên dùng miếng gán hoặc thuốc bôi giảm đau để giảm tác dụng phụ khi sử dụng.

Dùng nẹp: Trong trường hợp bong gân, nên sử dụng nẹp để cố định tay trong vài ngày nhằm giúp ổn định cấu trúc xương khớp và thúc đẩy dây chằng phục hồi.

Xoa bóp: Bạn có thể xoa bóp để làm giảm triệu chứng đau nhức, sưng viêm và phục hồi chức năng của cánh tay. Bên cạnh đó, nên phối hợp với tinh dầu khuynh diệp, dầu gừng, bạch đàn,… để tăng tác dụng điều trị.

Tận dụng thảo dược: Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số thảo dược tự nhiên như lá lốt, ngải cứu, thiên niên kiện, gừng tươi giã nát rồi đắp trực tiếp lên vùng khớp tổn thương.

Sau khi áp dụng các biện pháp trên, triệu chứng đau nhức xương cánh tay thường có đáp ứng tốt và thuyên giảm chỉ sau 2 – 5 ngày. Với trường hợp bong gân, thời gian phục hồi hoàn toàn có thể mất từ 10 – 12 ngày.

2. Đối với trường hợp đau nghiêm trọng

Đau nhức cánh tay nghiêm trọng thường xảy ra do gãy xương, bong gân nặng hoặc do các bệnh lý xương khớp mãn tính. Trong trường hợp này, bạn nên thăm khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và tiến hành các phương pháp điều trị tương ứng:

Nắn xương, bó bột: Với trường hợp gãy xương cánh tay, bác sĩ sẽ tiến hành nắn xương nhằm định hình cấu trúc và tiến hành bó bột để xương liền lại. Ngoài ra trong thời gian điều trị, bạn cần luyện tập một số động tác được bác sĩ chỉ dẫn nhằm phục hồi chức năng của cánh tay.

Sử dụng thuốc kê toa: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc để cải thiện cơn đau xương cánh tay như thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau gây nghiện, corticosteroid, methotrexate,… So với thuốc không kê toa, những loại thuốc này đều có hiệu lực mạnh và dễ gây ra tác dụng phụ khi sử dụng. Do đó bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Phẫu thuật: Trong trường hợp đứt dây chằng và tổn thương khớp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để chỉnh sửa cấu trúc xương khớp.

Phòng ngừa đau nhức xương cánh tay trái phải

Phần lớn các trường hợp đau nhức xương cánh tay đều khởi phát do chấn thương trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Vì vậy bạn có thể giảm thiểu tình trạng này với những biện pháp sau:

Cần khởi động trước khi chơi thể thao, đặc biệt là những bộ môn có cường độ cao như tennis, đá bóng,…

Sử dụng vật dụng hỗ trợ khi mang vác vật nặng.

Kiểm soát cân nặng giúp làm giảm áp lực lên xương khớp khi có va chạm và giảm nguy cơ gãy xương, bong gân,…

Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, với những người làm công việc văn phòng, nên đi lại sau 2 giờ làm việc.

Nếu đau cánh tay do sử dụng khớp cổ tay quá nhiều (đánh máy), bạn nên tập luyện một số động tác dành riêng cho cổ tay để giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh.

Xây dựng lối sống lành mạnh nhằm kiểm soát triệu chứng của bệnh xương khớp mãn tính. Đồng thời tích cực trong quá trình điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn chặn tiến triển của bệnh.

Đau nhức xương cánh tay có thể xảy ra do nhiều yếu tố và nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp cơn đau có xu hướng kéo dài và nghiêm trọng theo thời gian, bạn nên chủ động thăm khám để xác định nguyên nhân và can thiệp điều trị kịp thời.