Thịnh Hành 5/2024 # Dấu Hiệu Ung Thư Máu Ở Trẻ Em Và Phương Pháp Điều Trị # Top 9 Yêu Thích

1. Nguyên nhân gây ra ung thư máu ở trẻ em

Ung thư máu ở trẻ là căn bệnh ác tính nguy hiểm, đến nay nguyên nhân gây ung thư máu vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng theo các chuyên gia thì có một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra ung thư máu ở trẻ em như:

– Môi trường sống độc hại.

– Do trẻ bị ảnh hưởng bởi tia phóng xạ, hóa chất độc hại như benzen, DDT, thuốc melphalan…

– Do trẻ bị đột biến nhiễm sắc thể.

– Bệnh có thể bắt nguồn từ hội chứng down, hội chứng Bloom, Fanconi…

2. Những dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em cần được nhận biết sớm

Để phát hiện ung thư máu ở trẻ em sớm, các bậc cha mẹ có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu đặc trưng sau:

– Cơ thể xanh xao, vàng vọt, yếu ớt, sụt cân.

– Dễ bị viêm nhiễm, cảm cúm, xuất hiện vết bầm trên da.

– Hay bị chảy máu cam, khó thở.

– Đau xương, ra nhiều mồ hôi về đêm.

– Bị nổi hạch, chướng bụng, sưng gan, sưng lá lách, dễ bị nhiễm trùng khó điều trị dứt điểm.

Tuy nhiên các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em cũng dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh thông thường khác, vì vậy để biết chính xác trẻ có bị ung thư máu hay không các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế khi thấy các triệu chứng trên.

3. Chẩn đoán ung thư máu ở trẻ em bằng phương pháp nào?

Bệnh ung thư máu ở trẻ em thường có triệu chứng rất mờ nhạt, không rõ ràng và nó khá tương đồng với những bệnh thông thường khác, do đó để chẩn đoán chính xác bệnh bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp sau:

– Khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh: Khi tới khám tại bệnh viện, bác sĩ sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cảnh báo bệnh và hỏi về bệnh sử và sức khỏe của trẻ, ngoài ra bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm sau:

– Xét nghiệm công thức máu: với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một lượng máu nhỏ của trẻ, xét nghiệm để xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Đồng thời, việc xét nghiệm máu còn giúp phân loại tế bào bạch cầu để phát hiện ra các tế bào máu non trong tế bào máu ngoại vi.

+ Xét nghiệm Immunophenotyping: sử dụng kháng thể đơn dòng để xác định và phân loại ung thư máu.

+ Xét nghiệm tế bào di truyền: để xem xét bản chất tế bào máu và nhiễm sắc thể có biến đổi bất thường không.

– Xét nghiệm dịch não tủy: để kiểm tra xem hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) có bị ảnh hưởng bởi các tế bào máu lạ không.

– Xét nghiệm gen: nhằm xác định sự tồn tại của nhiễm sắc thể bất thường Philadelphia (nhiễm sắc thể gây bệnh ung thư máu).

4. Các phương pháp điều trị ung thư máu ở trẻ em

Ung thư máu ở trẻ em là bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể chữa trị bằng một số phương pháp như: hóa trị, xạ trị, thay tủy…

4.1. Điều trị bằng phương pháp hóa trị

Hóa trị là việc dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trẻ sẽ được uống thuốc, tiêm, truyền thuốc vào tĩnh mạch, tiêm vào dịch não tủy. Hóa chất vào trong máu có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư và ngăn chặn các biểu hiện của bệnh.

Tác dụng phụ: Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc chủ yếu vào loại hóa chất mà trẻ điều trị. Bên cạnh đó, cũng như các phương pháp điều trị khác, tác dụng phụ ở mỗi trẻ em là khác nhau. Nói chung, hóa chất sẽ tác dụng lên các tế bào đang phân chia. Tế bào ung thư phân chia nhanh hơn tế bào thường và dễ bị hóa chất tác dụng hơn. Tuy nhiên, một số tế bào lành cũng bị phá huỷ. Các tế bào lành phân chia nhanh, như tế bào máu, tế bào ở chân tóc và tế bào ống tiêu hóa, có khả năng bị tổn thương nhiều nhất.

Khi hóa chất gây ảnh hưởng tới tế bào lành, nó có thể làm giảm khả năng chống nhiễm khuẩn của trẻ, dễ bị chảy máu và thâm tím hơn. Trẻ có thể bị rụng tóc, buồn nôn, nôn, đau miệng. Các tác dụng phụ sẽ dần biến mất trong thời gian nghỉ phục hồi hoặc sau khi kết thúc điều trị. Hầu hết trẻ em được điều trị bệnh ung thư máu có khả năng sinh sản bình thường khi lớn lên. Tuy nhiên, cũng tùy theo vào loại thuốc và liều lượng sử dụng cũng như độ tuổi của trẻ, một số trẻ em ở cả nam và nữ có thể không sinh con được khi trưởng thành nếu như sử dụng liệu pháp mạnh.

4.2. Điều trị bằng phương pháp xạ trị

Là phương pháp dùng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư máu. Một số trẻ được bức xạ từ sự điều khiển của một máy tính lớn nhắm vào lá lách, não bộ, hoặc các bộ phận khác của cơ thể, nơi tụ nhiều các tế bào bạch cầu. Loại trị liệu này kéo dài 5 ngày một tuần trong một vài tuần, mỗi ngày từ 1-2 lần, tùy theo loại bệnh….

Tác dụng phụ: Trẻ được chiếu xạ sẽ rất mệt mỏi, do đó việc nghỉ ngơi, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học là điều hết sức quan trọng. Khi được chiếu xạ vào vùng đầu, trẻ thường bị rụng tóc, buồn nôn, nôn và chán ăn. Khi chiếu xạ tinh hoàn có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, hầu hết bé trai điều trị bằng phương pháp này về sau không có khả năng sinh con. Một số có thể còn cần phải sử dụng hormone.

Chiếu xạ có thể làm cho da đầu hoặc da ở vùng chiếu xạ ở trẻ trở nên đỏ, khô, nhạy cảm và ngứa. Để giảm tác dụng phụ này bác sĩ sẽ hướng dẫn cho trẻ cách giữ cho da sạch sẽ bằng việc không nên bôi bất kỳ loại nước hay kem nào lên vùng được chiếu xạ. Những tác dụng phụ này có thể tạm thời; bác sĩ và y tá sẽ gợi ý cách thức kiểm soát chúng cho đến khi kết thúc điều trị. Đối với những trẻ nhỏ bác sĩ cố gắng cho liều xạ thấp nhất có thể được và chỉ sử dụng phương pháp điều trị này với những trẻ không đáp ứng với hóa chất đơn độc để tránh gây ảnh hưởng đến việc học tập và phối hợp các hoạt động.

4.3. Điều trị bằng thay tủy (cấy tế bào gốc)

Phương pháp này còn được gọi là cấy tế bào gốc, thường sẽ được thực hiện sau khi xạ trị và hóa trị. Các tế bào gốc mới được cấy vào cơ thể sẽ thay thế các tế bào ung thư bị hủy diệt trong quá trình điều trị trước đó.

Tác dụng phụ: trẻ được ghép tủy xương phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm khuẩn và chảy máu cao hơn cũng như có cả các tác dụng phụ khác do điều trị bằng hóa chất và tia xạ liều cao. Bên cạnh đó, hiện tượng mảnh ghép chống lại vật chủ có thể xảy ra đối với những trẻ nhận tủy xương từ một người khác cho. Trong trường hợp này, tủy xương của người cho sẽ phản ứng chống lại mô của người nhận (thường là gan, da và ống tiêu hóa). Phản ứng thải ghép có thể nhẹ hoặc rất trầm trọng. Nó có thể xảy ra bất cứ khi nào sau ghép (thậm chí vài năm sau). Một số thuốc có thể được chỉ định để làm giảm nguy cơ bị thải ghép và để điều trị chống thải ghép nếu nó xảy ra.