Xem Nhiều 5/2024 # Y Học Cổ Truyền Và Bệnh Ung Thư # Top 0 Yêu Thích

Câu hỏi hiện nay đang được nhiều người đi tìm câu trả lời: Thuật ngữ “Ung thư” được hiểu như thế nào trong Đông y? Đông y có điều trị được ung thư? Nguyên tắc điều trị ung thư trong Đông y là gì? Bài viết sẽ giải đáp phần nào những câu hỏi đó.

Trên cơ sở khoa học, mỗi người khi sinh ra đã có sẵn bộ mã di truyền. Tùy thuộc mã di truyền riêng biệt của mỗi cơ thể, mà các tế bào sẽ phân chia, phát triển và có tính quyết định thời gian sống, bệnh tật, khỏe mạnh… cho mỗi người (phải chăng đây là định mệnh?). Khoa học cũng minh chứng các yếu tố môi trường (bụi, khói, tiếng ồn, khí hậu thời tiết, vi sinh vật…), áp lực căng thẳng trong cuộc sống tác động ảnh hưởng đến cơ địa dễ dàng đưa đến bệnh tật hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chỉ có 30% nguyên nhân gây bệnh do di truyền, còn hơn 70% là do lối sống – tự bản thân gây bệnh cho mình. Điều này cho phép chúng ta lạc quan hơn, dù thực tế có những nhân tố tiềm ẩn mà ta không có quyền chọn lựa, chúng ta vẫn có thể tác động cải đổi mã di truyền, đồng thời giảm thiểu những nguyên nhân tự thân gây bệnh cho mình, để sống khỏe, sống lâu và sống có chất lượng tốt hơn.

Theo WHO, trong bảng xếp hạng tỷ lệ mắc bệnh Ung thư trên toàn thế giới, Việt Nam đang ở trong tốp 50 nước có tỷ lệ ung thư cao nhất trên 172 quốc gia được thống kê. Điều đáng lo ngại hơn nữa, đó là Việt Nam cũng là nước có người dân tử vong vì bệnh Ung thư nhiều nhất trên thế giới vì thường được chẩn đoán muộn, do sự thiếu hiểu biết bỏ qua những dấu hiệu báo động của cơ thể. Hoặc khi biết mắc bệnh Ung thư, một số người không điều trị đúng mức, từ chối phẫu thuật hoặc hóa xạ trị mà tìm đến những phương pháp truyền miệng, đến khi muộn màng đau đớn quá mới trở lại cầu cứu khoa học thì đã không còn thời gian.

Còn đối với bệnh ung-thư-ác-tính, các y văn cổ như Tố Vấn, Linh Khu… có nêu trong các bệnh danh khác với mô tả “bệnh có biểu hiện khối cứng rắn có gốc rễ”. Đông y thường dùng từ “nham” (nghĩa là núi đá, do bờ của các khối u nham nhở và cứng như đá) để chỉ các u ác tính, như ung thư vú là nhũ nham, ung thư phổi là phế nham, ung thư gan là can nham… hoặc các tên khác như Trưng Hà, Anh Lựu.

Linh Khu cho rằng cơ chế bệnh sinh gây “ung thư ác tính” theo YHCT là do khí huyết uất kết mà hình thành ung thũng. Nhiệt hun đốt khiến cơ nhục hủ hoá thành mủ, thành lở loét. Nếu nhiệt độc đi sâu vào trong gây tổn thương tạng phủ, ngũ tạng tổn thương thì sẽ tử vong.

Vậy thì nguyên nhân gây “ung thư ác tính” theo YHCT do đâu? Xét về tương quan giữa YHCT và YHHĐ, khi mô tả các nguyên nhân làm cho khí huyết ứ trệ, nhiệt độc sinh ra có thể khái quát hóa mối tương quan như:

Nhân tố ngoại tà: Có thể hiểu bệnh do các yếu tố thuận lợi từ môi trường xâm nhập vào trong một điều kiện cơ địa có sẵn là khí huyết hư suy, hoặc mất cân bằng âm – dương như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Ví dụ như YHHĐ đã minh chứng vi khuẩn Hp gây ung thư dạ dày, virus HPV gây ung thư cổ tử cung…

Nhân tố ẩm thực: Ẩm thực thất điều, tổn thương tỳ vị khí huyết hóa nguyên bất túc, gây ra tạng phủ khí huyết khuy hư. Tỳ hư thì đồ ăn không thể hóa thành tinh vi mà sẽ biến thành đàm trọc, đàm tắc khí trệ, đàm huyết ứ kết mà hình thành ung nhọt, tích khối.

Ăn uống cay nóng, uống nhiều rượu, hút thuốc là là những thứ đại nhiệt gây tổn thương tân dịch sinh đàm, đàm nhiệt uất kết, khí huyết ứ trệ gây bệnh, YHHĐ cũng đã minh chứng thuốc lá gây Ung thư phổi, Rượu gây xơ gan và có thể đưa đến ung thư gan…

Chính khí nội suy: người lớn tuổi cơ thể suy nhược, hoặc do những bệnh mãn tính, hoặc do thất tình tổn thương gây khí nghịch khí trệ, thăng giáng không đều, hoặc do lao lực quá sức gây ra âm dương đều hư dẫn đến ngoại tà thừa cơ hội xâm nhập, lưu lại ở trong, cuối cùng dẫn đến huyết hành ứ trệ mà gây ra u cục.

Từ đó YHCT đưa ra nguyên tắc điều trị ung thư gồm mục tiêu:

Nâng cao sức khoẻ người bệnh, ngăn chặn và cải thiện suy kiệt do ung thư; những phương pháp được dùng gồm bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương…

Hạn chế sự tiến triển của khối u, giảm đau, hỗ trợ điều trị tác dụng phụ của các liệu pháp hoá, xạ, phẫu trị trong ung thư, các phép được dùng như tiêu đàm, nhuyễn kiên, hành khí, hoạt huyết, khử ứ, tiêu độc, thanh nhiệt.

Hiện có tổng cộng 62 bài thuốc

cổ phương và kinh nghiệm được sử dụng điều trị ung thư, trong đó có 12 dược liệu được nghiên cứu ghi nhận có tác dụng đẩy nhanh tiến độ chết tế bào theo chương trình (apoptosis) của tế bào ung thư, từ đó diệt tế bào ung thư.

Có nhiều công trình nghiên cứu đã lần lượt minh chứng cho việc điều trị nói trên:

Tác giả Xia-Wei Zhang và cộng sự thực hiện nghiên cứu trên 4384 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) để đánh giá hiệu quả và an toàn khi kết hợp thuốc YHCT và thuốc YHHĐ (EGFR-TKIs). Kết quả khi kết hợp EGFR-TKIs với thuốc YHCT cho thấy cải thiện có ý nghĩa thời gian sống khoẻ mạnh, thời gian sống trung vị, tỷ lệ sống còn sau 1 năm và 2 năm, tỷ lệ đáp ứng khách quan cao hơn, ít tác dụng phụ hơn… so với chỉ sử dụng EGFR-TKIs đơn độc.

Một số thuốc YHCT cho thấy làm tăng hoạt tính tự thực bào trong NSCLC bằng các điều hoà các phân tử then chốt trong các con đường tín hiệu tự thực bào cổ điển như con đường PI3K/Akt/mTOR và con đường RAS/RAF/MEK/ERK. Một số nghiên cứu cũng cho thấy thuốc YHCT là tăng chất lượng cuộc sống và cải thiện triệu chứng trên các bệnh nhân NSCLC hoá trị.

Tác giả Xinyin Wu và cộng sự (2024) sử dụng nghiên cứu phân tích gộp mạng lưới (Network Meta-Analysis) lấy nguồn dữ liệu từ 14 tổng quan hệ thống và 61 thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng để đánh giá hiệu quả trên chất lượng cuộc sống khi kết hợp thuốc YHCT với hoá trị trong điều trị NSCLC. Kết quả cho thấy 6/11 loại thuốc YHCT có hiệu quả tốt trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân NSCLC.

Đến hỗ trợ điều trị chống ung thư

Tác giả Baogang Fei và cộng sự (2024) so sánh tính hiệu quả, an toàn và chi phí trong điều trị hậu phẫu ung thư đại tràng bằng catalpol (Catalpol là iridoid glucoside chiết xuất từ Địa hoàng, Rehmannia glutinosa) so với hoá trị bevacizumab và so với giả dược. Kết quả cho thấy catapol làm cải thiện có ý nghĩa các marker ung thư CA 19-9, CEA, MMP-2 và MMP-9. Bên cạnh đó, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân điều trị với catalpol cao hơn có ý nghĩa đối với bệnh nhân điều trị với giả dược, trong khi chi phí điều trị của catalpol lại thấp hơn rất nhiều.

Tác giả Bao Yanju và cộng sự (2014) nghiên cứu trên 512 bệnh nhân từ năm 2010 đến 2012, so sánh phác đồ tiêm chiết xuất Khổ sâm kết hợp xạ trị so với xạ trị đơn độc và phác đồ tiêm chiết xuất Khổ sâm kết hợp bisphosphonates so với bisphosphonates đơn độc. Kết quả cho thấy tiêm chiết xuất Khổ sâm giúp giảm đau có ý nghĩa tình trạng đau do ung thư xương.

Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách sống, chế độ ăn uống và môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và là góp phần quyết định nguy cơ gây bệnh. Nhìn lại Đông y có Dưỡng sinh, trong đó có 4 nội dung lớn hướng dẫn cách sống, thực dưỡng, tập luyện và thái độ tinh thần trong cuộc sống nhằm duy trì sức khỏe; lại còn có kho tàng thuốc từ thảo dược với các nghiên cứu đã ghi nhận góp phần không nhỏ trong chăm sóc và điều trị Ung thư từ các bài thuốc có tác dụng lên tế bào ung thư, đến hỗ trợ loại trừ các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị trúng đích của Tây Y. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng ung thư ác tính có diễn biến khó lường, tuỳ theo mỗi cơ địa khác nhau, nên cần thiết phải được tầm soát chẩn đoán sớm, điều trị ngay bằng những phương pháp khoa học trúng đích đã được xác thực, vì đây là vấn đề sinh mệnh của con người. Bên cạnh đó nghiên cứu Đông y còn chờ đợi và hy vọng nhiều ở tương lai khi các bằng chứng nhiều hơn và cụ thể hơn, còn bây giờ chỉ nên ở vai trò hỗ trợ, cũng như chúng ta hiểu rằng bằng cách sống khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ tập luyện tốt tạo cân bằng cho cơ thể là chúng ta tự góp phần không nhỏ trong cải đổi định mệnh cho bản thân mình, hạn chế bệnh tật, trong đó có ung thư.

Cong, Yan, et al. (2024), “A Traditional Chinese Medicine Xiao-Ai-Tong Suppresses Pain through Modulation of Cytokines and Prevents Adverse Reactions of Morphine Treatment in Bone Cancer Pain Patients”, Mediators of inflammation. 2024, pp. 961635-961635.

Fei, Baogang, Dai, Wei, and Zhao, Shouhe (2024), “Efficacy, Safety, and Cost of Therapy of the Traditional Chinese Medicine, Catalpol, in Patients Following Surgical Resection for Locally Advanced Colon Cancer”, Medical science monitor: international medical journal of experimental and clinical research. 24, p. 3184.

Medicine. 12(4), pp. 346-358.

Wang, Li-fang, et al. (2024), “Clinical observation of Shuanghuang Shengbai Granule on prevention and treatment of myelosuppression caused by chemotherapy in cancer patients”, Chinese journal of integrative medicine. 23(2), pp. 105-109.

Wang, Shanshan, et al. (2024), “Efficacy of compound Kushen injection plus radiotherapy on nonsmall-cell lungcancer: A systematic review and meta-analysis”, Journal of cancer research therapeutics. 12(4), p. 1298.

Wu, Xinyin, et al. (2024), “Chinese herbal medicine for improving quality of life among nonsmall cell lung cancer patients: overview of systematic reviews and network meta-analysis”, Medicine. 95(1).

Yanju, Bao, et al. (2014), “A systematic review and meta-analysis on the use of traditional Chinese medicine compound kushen injection for bone cancer pain”, Supportive care in cancer. 22(3), pp. 825-836..

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM Theo Tạp chí Sức Khỏe – chúng tôi