Đề Xuất 5/2024 # Không Có Tinh Trùng Và Hướng Điều Trị # Top 3 Yêu Thích

(ĐTĐ) – Không có tinh trùng hay còn gọi là vô tinh là thuật ngữ chuyên môn để mô tả các trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch sau ít nhất 2 lần xét nghiệm tinh dịch đồ, cách nhau ít nhất 2 tuần. Trong y học hiện đại với các tiến bộ về chẩn đoán và điều trị vô sinh nam hiện nay ở Việt Nam, cũng như trong y học cổ truyền, việc kết hợp giữa y lý của y học cổ truyền với cơ chế bệnh sinh và tính chất dược lý học hiện đại, đa số trường hợp vô tinh vẫn có thể có con của chính mình.  

1. Các nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng

Không có tinh trùng có thể do cơ thể không sản xuất tinh trùng hay do tinh trùng vẫn được sinh ra nhưng không đi ra được bên ngoài. Do đó, khi thử tinh dịch đồ cho kết quả là vô tinh, vấn đề cần xác định là cơ thể có sản xuất được tinh trùng hay không để quyết định phương pháp điều trị.

Để xác định nguyên nhân vô tinh có thể khám lâm sàng, thực hiện một số các thủ thuật và xét nghiệm như: xét nghiệm nội tiết, siêu âm, mổ thám sát, chọc hút mào tinh, sinh thiết tinh hoàn tìm tinh trùng, xét nghiệm di truyền… Sau khi thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán, chúng ta có thể biết được các trường hợp không có tinh trùng thuộc nhóm nào trong 3 nhóm sau:

– Tinh trùng được sinh ra bình thường nhưng không ra được bên ngoài:

+ Không có ống dẫn tinh 2 bên bẩm sinh: Trong những trường hợp này hai tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng không có đường dẫn ra ngoài.

+ Tắc đường dẫn tinh mắc phải: Do nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, sau chấn thương cơ quan sinh sản đường dẫn tinh bị tắc.

+ Xuất tinh ngược dòng: Tinh trùng thay vì được phóng tinh ra ngoài lại đi ngược vào bàng quang (nơi chứa nước tiểu). Tình trạng này có thể xảy ra ở những trường hợp biến chứng sau khi mổ ở vùng lân cận, chấn thương cột sống, bệnh tiểu đường. Những trường trường hợp này sẽ tìm thấy tinh trùng trong nước tiểu sau khi xuất tinh.

– Tinh trùng sản xuất quá ít, không đủ tìm thấy trong tinh dịch:

Hai tinh hoàn suy giảm chức năng nặng và sản xuất rất ít tinh trùng. Tuy nhiên, khi sinh thiết tinh hoàn và có thể tìm thấy ít tinh trùng ở một số nơi trong tinh hoàn.

– Tinh hoàn không sản xuất tinh trùng

+ Nguyên nhân nội tiết: Bình thường, nội tiết từ tuyến yên (ở não) kích thích tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng. Nếu không có hoặc không đủ nội tiết tuyến yên, tinh hoàn sẽ không sản xuất được tinh trùng. Đặc biệt nếu nam giới sử dụng nội tiết tố nam (androgen) nhiều quá, cũng có thể làm tuyến yên không tiết nội tiết và tinh hoàn không sản xuất tinh trùng. Các trường hợp này có thể điều trị bằng thuốc để giúp tinh hoàn sản xuất tinh trùng.

+ Giãn tĩnh mạnh thừng tinh: một số rất ít trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có thể gây vô tinh. Những trường hợp này sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, quá trình sinh tinh có thể hồi phục một phần.

2. Ý nghĩa xét nghiệm nội tiết trong chẩn đoán và điều trị vô sinh nam

Nội tiết tố sinh dục nam bao gồm 3 chất chủ yếu là FSH, LH và testosterone. Sự điều hòa của 3 chất này trong hệ trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn đảm bảo cho quá trình sinh tinh bình thường. Giá trị bất thường tăng hay giảm của 3 chất này đều có thể chỉ ra có rối loạn trong quá trình sinh tinh, từ đó cho thấy tầm quan trọng của xét nghiệm nội tiết trong chẩn đoán các bệnh lý vô sinh nam.

– Đo nồng độ FSH huyết thanh để phân biệt giữa cường hạ đồi và suy sinh dục có hoặc không kèm suy hạ đồi. Xét nghiệm này được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân không có tinh trùng và nếu như không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân gì làm suy quá trình sinh tinh.

+ FSH trong giới hạn bình thường gợi ý không tinh trùng do tắc nghẽn. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ trường hợp quá trình sinh tinh bị ngưng trệ (arrested spermatogenesis) không có tinh trùng trưởng thành.

+ Nếu FSH tăng cao có thể là do một sự thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình sinh tinh bao gồm hội chứng chỉ có tế bào sertoli (bất sản tế bào mầm), hay quá trình sinh tinh bị ngưng lại ở giai đoạn tinh nguyên bào hoặc tinh bào bậc I. Ở một số bệnh nhân, quá trình sinh tinh chỉ bị ngưng trệ ở một số ống sinh tinh. Do đó, chỉ dựa vào FSH, ta không thể dám chắc 100% có tinh trùng trong tinh hoàn hay không. Ở những người có tinh hoàn teo vừa hay nặng và có dấu hiệu suy androgen, thì FSH cao gợi ý sự tổn thương nguyên phát tinh hoàn làm suy yếu quá trình sinh tinh và chức năng của tế bào leydig. Nếu FSH không tăng ở những bệnh nhân này thì có thể do suy hạ đồi-tuyến yên hay u tuyến yên.

+ Ở những bệnh nhân có thể chẩn đoán được nguyên nhân vô sinh và có tinh trùng trong mẫu xuất tinh thì không cần thiết phải xét nghiệm FSH với mục đích phân loại chẩn đoán. Tuy nhiên, trong trường hợp này FSH cần thiết cho tiên lượng của bệnh, ví dụ như ở bệnh nhân thiểu tinh nặng có dãn tĩnh mạch thừng tinh và FSH tăng cao, thì tiên lượng cải thiện tinh trùng sau điều trị tĩnh mạch dãn là rất thấp.

– Đo nồng độ inhibin B huyết thanh cùng với FSH có lẽ là cách tốt nhất để đánh giá sự sinh tinh, giúp phân biệt bất thường mật độ tinh trùng do tại tinh hoàn hay không do tại tinh hoàn.

– Đo LH huyết thanh không cần thường quy trong chẩn đoán vô sinh nam. Các trường hợp suy sinh dục – suy hạ đồi có thể dựa trên testosterone thấp kèm theo FSH bình thường hoặc thấp. Nếu lâm sàng suy androgen là do suy tinh hoàn nguyên phát thì FSH sẽ tăng. Nhiều tác giả đề nghị nếu tỉ số LH/testosterone mà cao thì có thể có kháng tế bào Leydig và đưa đến giảm khả năng sinh sản. Nếu testosterone thấp mà LH không tăng thì gợi ý có sự ức chế chức năng hạ đồi – tuyến yên do sự hoạt hóa hormon như là đồng hóa steroid hay có estrogen giả tạo.

– Đo nồng độ testosterone huyết thanh là cần thiết ở những bệnh nhân có dấu hiệu suy androgen kèm FSH không tăng. Những trường hợp này, nếu testosterone thấp chỉ ra rằng có suy sinh dục – thiếu hormon hướng sinh dục do suy tuyến yên hay suy hạ đồi nguyên phát.

– Prolactin cần xét nghiệm ở những bệnh nhân có rối loạn tình dục như giảm khả năng tình dục hay bất lực, hoặc có dấu hiệu suy androgen, có testosterone thấp và FSH không tăng. Ở những bệnh nhân có tăng prolactin thì phải xét nghiệm lại prolactin vài lần, vì chỉ một stress nhỏ cũng có thể làm tăng prolactin.

– Các test kích thích: Dùng để xác định tình trạng của trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn bao gồm test kích thích bằng GnRH và hCG.

+ Test GnRH để lượng giá khả năng tiết FSH và LH của tuyến yên. Trong trường hợp giảm tiết GnRH nội sinh, tuyến yên tiết LH và FSH không hoàn hảo dẫn đến kém đáp ứng với GnRH ngoại sinh. Do đó nếu nồng độ LH thấp sau khi tiêm GnRH thì không thể phân biệt được là do suy hạ đồi hay do bệnh lý ở tuyến yên.

+ Test hCG để lượng giá khả năng sản xuất testosterone của tinh hoàn. Tiêm bắp 1500-4000 IU hCG sau khi đã đo nồng độ testosterone huyết thanh. Nếu sau tiêm 5 ngày, nồng độ testosterone tăng gấp đôi so với trước khi tiêm thì được xem là bình thường.

3. Phân loại chẩn đoán

Những bệnh nhân bị suy sinh dục, bị vô tinh có thể phân loại chẩn đoán thuộc 1 trong 3 dạng: suy sinh dục – suy hạ đồi, tuyến yên; tổn thương các ống sinh tinh không hồi phục; thiểu tinh nguyên phát.

– Suy sinh dục – suy hạ đồi, tuyến yên:

Những bệnh nhân này bị thiểu tinh hoặc vô tinh. Xét nghiệm nội tiết có testosterone, LH, FSH đều thấp và có thể có tăng prolactin. Chẩn đoán phân biệt của hội chứng này bao gồm bệnh của vùng hạ đồi, u tuyến yên, thiếu hụt LH bẩm sinh (hội chứng Kallman), suy dinh dưỡng nặng và nhiễm trùng. Test kích thích GnRH giúp phân biệt giữa bệnh lý ở hạ đồi hay ở tuyến yên. Đôi khi, một số bệnh nhân có testosterone thấp và gonadotropin ở mức bình thường. Trường hợp này có thể là do bất thường SHBG (testosterone gắn với globulin) hoặc bất thường hoạt tính sinh học của LH. Điều này có thể phát hiện nhờ đo nồng độ testosterone tự do và hoạt tính sinh học của LH.

– Tổn thương ống sinh tinh không hồi phục: có thể chia làm 2 loại:

+ Suy sinh dục kèm tăng gonadotropin và tổn thương tế bào mầm nguyên phát. Bệnh nhân thuộc loại này có testosterone thấp và tăng LH, FSH, bị thiểu tinh hoặc vô tinh. Loại này có chẩn đoán phân biệt với thiểu năng tuyến sinh dục, kháng hormon. Test kích thích bằng hCG hiếm khi được chỉ định.

+ Bệnh nhân bị tổn thương tế bào mầm nguyên phát có testosterone và LH ở mức bình thường, FSH tăng cao. Biểu hiện là thiểu tinh nặng hoặc vô tinh. Trong tương lai, việc xét nghiệm inhibin huyết thanh có thể giúp chẩn đoán cho trường hợp này.

– Thiểu tinh nguyên phát: thường có LH, FSH, testosterone ở mức bình thường. Biểu hiện duy nhất là thiểu tinh và vô sinh.

4. Các phương pháp điều trị vô sinh

– Theo y học hiện đại:

Trong sinh lý bình thường, cần ít nhất hàng chục triệu tinh trùng di động trong một lần xuất tinh để nam giới có khả năng có con tự nhiên. Tuy nhiên, với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, nam giới có thể có con của chính mình chỉ với một ít tinh trùng tìm thấy trong tinh hoàn. Trong các nhóm nguyên nhân đã nêu ở trên, chỉ có những trường hợp suy tinh hoàn hoàn toàn là khó có thể có con của chính mình. Đa số các trường hợp vô tinh còn lại đều có thể có con của chính mình nếu có thể tìm được tinh trùng trong tinh hoàn, cho dù rất ít.

Do đó, phương pháp điều trị vô sinh cho các trường hợp không có tinh trùng hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng lấy được từ mào tinh hoặc tinh hoàn. Một số ít trường hợp có thể điều trị bằng nội tiết nếu do thiếu nội tiết tuyến yên. Các trường hợp có thể điều trị bằng phẫu thuật như thông nối hay mổ dãn tinh mạch thừng tinh có khả năng thành công thấp, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp người vợ trẻ tuổi, dễ có thai.

Gần đây, một số trung tâm ở Việt nam đã có thể đông lạnh và lưu trữ tinh trùng lấy từ mào tinh và tinh hoàn để sử dụng điều trị sau đó. Do đó, ngay khi chẩn đoán là có tinh trùng trong mào tinh và tinh hoàn, các tinh trùng này có thể được đông lạnh ngay. Sau đó các tinh trùng này có thể được sử dụng để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà bệnh nhân không phải làm thủ thuật hay mổ lại để lấy tinh trùng. Tuy nhiên, để làm được điều này, bệnh nhân cần đến khám tại các trung tâm có khả năng trữ lạnh mô tinh hoàn và tinh trùng hút từ mào tinh.

– Y học cổ truyền từ xưa đã có rất nhiều phương thuốc để điều trị vô sinh nam và vô tinh, ngày nay việc kết hợp giữa y lý với cơ chế bệnh sinh và tính chất dược lý học hiện đại, nhiều trường hợp vô tinh đã có tinh trở lại và có thể có con của chính mình.

Theo y học cổ truyền vô tinh được chia làm 8 thể bệnh, mỗi thể bệnh có một phương thuốc điều trị riêng:

– Thể Thận âm hư: Biểu hiện tinh dịch lượng ít, số lượng tinh trùng không có hoặc rất ít, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, nóng lòng bàn tay và bàn chân, có cảm giác sốt về chiều, ngủ kém, vã mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ ít hoặc không rêu. Phép chữa tư âm bổ thận, điền tinh chủng tử.

Bài thuốc Ngũ tử diễn tông hoàn phối hợp với Tả quy ẩm gia giảm, sắc uống mỗi ngày 1 thang:

Thục địa

15g

Ngũ vị tử

10g

Kỷ tử

15g

Hoài sơn

10g

Xa tiền tử

20g

Cam thảo

03g

Sơn thù

10g

Thỏ ty tử

15g

 

 

Bạch linh

10g

Phúc bồn tử

15g

 

 

– Thể Thận dương hư: Biểu hiện tinh dịch lạnh loãng, độ di động kém, mệt mỏi, khó thở, sắc mặt trắng bệch, tay chân lạnh, sợ lạnh, liệt dương hoặc di tinh, tiểu đêm nhiều lần, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch yếu nhược. Phép chữa ích thận ôn dương, bổ tinh.

Bài thuốc Ngũ tử diễn tông hoàn phối hợp với Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm, sắc uống mỗi ngày 1 thang:

Nhục thung dung

10g

Tiên mao

10g

Kỷ tử

15g

Dâm dương hoắc

10g

Ngũ vị tử

10g

Cam thảo

03g

Sơn thù

 10g

Thỏ ty tử

15g

Phụ tử chế

10g

Hoài sơn

10g

Phúc bồn tử

15g

Nhục quế

10g

– Thể Khí huyết lưỡng hư: Biểu hiện tinh dịch loãng, không ham muốn tình dục, liệt dương hoặc xuất tinh sớm, gầy yếu, sắc mặt không tươi, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng nát, lưỡi nhợt ít rêu. Phép chữa ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết sinh tinh.

Bài thuốc Bát trân sinh tinh thang gia giảm, sắc uống mỗi ngày 1 thang:

Đẳng sâm

10g

Thục địa

15g

Tử hà sa

15g

Hoàng kỳ

10g

Bạch thược

10g

Thỏ ty tử

15g

Đương quy

10g

Cam thảo

03g

Kỷ tử

15g

Bạch truật

10g

A giao 

10g

 

 

Bạch linh

10g 

Hoàng tinh

15g

 

 

– Thể Tỳ thận khí hư: Biểu hiện tinh dịch lạnh loãng, không ham muốn tình dục, liệt dương hoặc di tinh, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, bụng đầy chậm tiêu, ăn kém, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch chìm và yếu. Phép chữa ôn bổ tỳ thận, ích khí sinh tinh.

Bài thuốc: Thập tử thang phối hợp với Lục quân tử thang gia giảm, sắc uống mỗi ngày 1 thang:

Đẳng sâm

10g

Kỷ tử

15g

Phá cố chỉ

15g

Bạch truật

10g

Kim anh tử

10g

Tang thầm

15g

Bạch linh

10g

Sà sàng tử

15g

Trần bì

10g

Cam thảo

03g

Trinh nữ tử

15g

Bán hạ chế

10g

Phúc bồn tử

10g

Xa tiền tử

20g

 

 

Thỏ ty tử

15g

Ngũ vị tử

10g

 

 

– Thể Thấp nhiệt hạ tiêu: Biểu hiện tinh dịch đặc lâu hóa lỏng và có nhiều bạch cầu, tinh trùng chết nhiều, sau sinh hoạt hay đau tức dương vật và tinh hoàn, tiểu tiện sẻn đỏ, có cặn đục, chân tay mỏi nặng, tâm phiền miệng khát, đại tiện khó, lưỡi đỏ rêu vàng dính. Phép chữa thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc.

Bài thuốc Long đởm tả can thang phối hợp với Tỳ giải thẩm thấp thang gia giảm, sắc uống mỗi ngày 1 thang:

Long đởm thảo

10g

Đan bì

15g

Sinh địa

20g

Hoàng bá

10g

Trạch tả

10g

Thông thảo

10g

Hoàng cầm

10g

Xa tiền tử

20g

Tỳ giải

20g

Chi tử

10g

Đương quy

15g

 

 

Bạch linh

10g

Ý dĩ

20g

 

 

– Thể Đàm trọc ngưng trệ

Chứng trạng: Tinh dịch lượng ít, không có hoặc có rất ít tinh trùng, khó xuất tinh, tinh hoàn hay sưng nề đau cứng, đầu choáng mắt hoa, tức ngực, béo trệ, lưỡi bệu và có vết hằn răng.

Phép chữa: Hóa đàm lý khí, hóa kết thông lạc.

Bài thuốc Thương phụ đạo đàm thang gia giảm: Thương truật 10g, trần bì 10g, bán hạ chế 10g, đởm nam tinh 10g, hương phụ 10g, bạch linh 10g, bạch truật 10g, trạch tả 10g, xa tiền tử 15g, tỳ giải 15g, xuyên sơn giáp 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

– Thể Huyết ứ trở trệ

Chứng trạng: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, đau khi xuất tinh, không có hoặc có rất ít tinh trùng, tỷ lệ chết cao, trong tinh dịch có hồng cầu, bụng dưới và dịch hoàn đau chướng, lưỡi có nhiều điểm ứ huyết.

Phép chữa: Phải hoạt huyết hóa ứ thông tinh.

Bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang gia giảm: Sài hồ 10g, chỉ xác 10g, ngưu tất 10g, hồng hoa 10g, đào nhân 10g, xích thược 10g, đương quy 10g, xuyên sơn giáp 15g, kê huyết đằng 15g, đan sâm 20g, vương bất lưu hành 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

– Với thể Hàn trệ can mạch

Chứng trạng: Tinh dịch lạnh loãng, bộ hạ đau chướng và lạnh, sau sinh hoạt bụng dưới và tinh hoàn đau tức, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưỡi nhợt và bệu, mạch căng như dây đàn.

Phép chữa: Noãn can tán hàn, ôn kinh hành khí.

Bài thuốc Noãn can tiễn gia giảm: Nhục quế 10g, tiểu hồi hương 10g, ô dược 10g, đương quy 10g, bạch linh 10g, sinh khương 3g, kỷ tử 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Tóm lại, đối với bệnh lý vô sinh, đông y cũng có một bề dày kinh nghiệm chẩn trị dựa trên một hệ thống cơ sở lý luận chặt chẽ và vững chắc. Thực tế hiện nay, ở nhiều nước, người ta đã và đang không ngừng nghiên cứu sử dụng biện pháp của đông y, trong đó có đông dược, để trị liệu chứng vô sinh.