Đề Xuất 5/2024 # U Não Và Những Điều Cần Biết # Top 3 Yêu Thích

14-12-2010

Não là một khối mô mềm, xốp. Não được bảo vệ bởi các xương sọ và 3 lớp màng mỏng gọi là màng não. Dịch não tuỷ lưu thông trong não làm đệm nước cho não. Dịch này chảy qua các khoảng trống giữa các màng não và qua các khoảng trống trong não gọi là não thất.

Não chỉ huy những việc chúng ta chủ động làm (như đi bộ và nói chuyện) và những việc mà cơ thể thực hiện một cách vô ý thức (như hô hấp). Não còn chịu trách nhiệm về các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, và khứu giác), về trí nhớ, cảm xúc, và nhân cách.

2. Ung thư là gì?

Ung thư bắt đầu từ các tế bào, đơn vị cơ bản của các mô. Mô tạo ra các cơ quan bộ phận của cơ thể. Bình thường, tế bào tăng trưởng và phân chia thành những tế bào mới tuỳ theo yêu cầu của cơ thể. Khi tế bào già đi, chúng sẽ chết và những tế bào mới sẽ thay thế chỗ. Đôi khi quy trình này bị rối loạn, những tế bào mới hình thành khi cơ thể không cần đến chúng và những tế bào già nua lại không chết đi, những tế bào dư thừa này tạo ra một khối mô gọi là bướu hoặc u.

3. U não lành tính và u não ác tính là gì?

Các u não có thể lành tính hoặc ác tính:

a. U não lành tính không chứa tế bào ung thư

– Thường các u lành có thể cắt bỏ đi và ít tái phát trở lại.

– Ranh giới của u lành thường rõ ràng. Tế bào của u lành không xâm lấn mô xung quanh hoặc di căn đi các nơi khác của cơ thể. Tuy vậy, u lành có thể chèn ép những vùng nhạy cảm của não và gây ra những vấn đề về sức khoẻ nghiêm trọng.

– Không giống u lành ở những vị trí khác trên cơ thể, u lành ở não đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

– U lành ở não có thể trở thành ác tính, tuy nhiên rất hiếm gặp.

b. U ác tính ở não chứa tế bào ung thư

– U ác tính ở não thường nặng và đe doạ đến tính mạng.

– Chúng phát triển rất nhanh và xâm chiếm mô lành chung quanh.

– Rất hiếm khi tế bào ác tính trong khối ung thư não tách ra và di chuyển đến các nơi khác của não, đến tuỷ sống, hoặc những phần khác của cơ thể (di căn).

– Đôi khi u ác tính không lan rộng đến các mô bình thường. U có thể bị bao bọc bởi một lớp mô, hoặc xương sọ. Đây là dạng u bị bao bọc (encapsulated).

4. Các giai đoạn của khối u

U não thường được phân theo giai đoạn: từ giai đoạn sớm (giai đoạn I) đến giai đoạn muộn (giai đoạn IV). Giai đoạn của u dựa trên hình ảnh của tế bào quan sát thấy trên kính hiển vi. Tế bào u ở giai đoạn muộn bất thường hơn và tăng trưởng nhanh hơn tế bào u ở giai đoạn sớm.

5. U não nguyên phát & thứ phát là gì?

– U khởi phát từ tế bào của não được gọi là u não nguyên phát. U não nguyên phát được đặt tên theo type tế bào hoặc vị trí của não. U não nguyên phát thường gặp nhất là các u tế bào đệm ( gliomas). Chúng hình thành từ những tế bào đệm (glial cells). Có nhiều typ glioma như U tế bào hình sao (Astrocytoma); Glioma thân não; U màng não thất (Ependymoma); Oligodendroglioma. Một số typ u não không khởi phát từ tế bào đệm (glial cells). Các u thường gặp nhất là: Medulloblastoma; U màng não (Meningioma); U tế bào Schwann (Schwannoma); U sọ hầu (Craniopharyngioma); U tế bào mầm của não (Germ cell tumor); U vùng tuyến tùng (Pineal region tumor):

– U não thứ phát là gì? Khi ung thư lan toả từ vị trí ban đầu đến vị trí khác trong cơ thể, u mới hình thành sẽ có cùng loại tế bào bất thường và cùng tên gọi với u nguyên phát. Ung thư từ một bộ phận khác của cơ thể di chuyển đến não được gọi là u não thứ phát hoặc ung thư di căn. U não thứ phát gặp thường xuyên hơn so với u não nguyên phát.

6. Nguyên nhân u não – Ai là người có nguy cơ cao bị u não?

Hiện chưa biết chính xác nguyên nhân u não. Rất khó giải thích tại sao người này bị u não nhưng người khác lại không bị. Tuy nhiên, u não rõ ràng là một bệnh không lây truyền từ người này sang người khác. Các nghiên cứu đã cho thấy có một số yếu tố nguy cơ trong việc hình thành u não nguyên phát, đó là:

– Nam giới: Nhìn chung, nam thường bị u não nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, u màng não thường gặp ở nữ nhiều hơn.

– Chủng tộc: U não thường gặp ở người da trắng nhiều hơn so với các chủng tộc khác.

– Tuổi: Đa số u não gặp ở người từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, u não lại là loại ung thư thường gặp đứng hàng thứ hai ở trẻ em sau ung thư bạch cầu (Leukemia). U não thường gặp ở trẻ < 8 tuổi so với trẻ lớn.

– Tiền sử gia đình: Người có tiền sử gia đình bị u tế bào đệm (gliomas) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác.

+ Phóng xạ: Người làm việc trong môi trường phóng xạ (công nghiệp hạt nhân) có nguy cơ u não cao hơn.

+ Formaldehyde: Các nhà giải phẫu bệnh học và người làm nghề ướp xác sử dụng formaldehyde có nguy cơ ung thư não cao hơn.

+ Vinyl chloride: Công nhân ngành nhựa plastic phơi nhiễm với vinyl chloride có nguy cơ u não tăng cao.

+ Acrylonitrile: Những người làm việc trong ngành chế tạo sợi tổng hợp và nhựa plastic phơi nhiễm với acrylonitrile có nguy cơ u não cao hơn.

7. Triệu chứng của u não?

Triệu chứng của u não tuỳ thuộc kích thước, typ khối u, và vị trí của nó. Triệu chứng xuất hiện khi khối u chèn ép lên thần kinh hay những vùng riêng biệt của não bộ. Triệu chứng còn có thể do não bị sưng phù lên hoặc do dịch tiết tích luỹ nội sọ. Những triệu chứng thường gặp nhất của u não là:

– Nhức đầu (thường nặng nhất vào buổi sáng)

– Buồn nôn và nôn

– Thay đổi trong giọng nói, thị trường của 2 mắt hoặc thính giác

– Khó khăn trong giữ thăng bằng và động tác đi lại

– Thay đổi trong tính khí, nhân cách, hoặc khả năng tập trung

– Rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ

– Giật cơ hoặc vặn cơ (động kinh)

– Tê hoặc châm chích tay chân

Các triệu chứng này không đặc hiệu cho u não. Một số bệnh khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Khi có các triệu chứng kể trên thì nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều trị tình trạng này cho bạn.

8. Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán u não?

Khi một người có những triệu chứng gợi ý u não, bác sĩ sẽ thực hiện một hay nhiều biện pháp sau đây:

– Khám thực thể: Bác sĩ khám kiểm tra lâm sàng tổng quát.

– Khám thần kinh: Bác sĩ kiểm tra độ tỉnh táo, sức cơ, sự phối hợp động tác, các phản xạ, và đáp ứng với kích thích đau. Bác sĩ sẽ kiểm tra đáy mắt xem có phù gai thị do u chèn ép thần kinh thị giác.

– MSCT scan: Chụp đa lát cắt vùng sọ não. Chích tĩnh mạch chất cản quang để quan sát rõ hơn. Hình ảnh tổng hợp lại có thể cho thấy u não. .

– Chụp Cộng Hưởng Từ MRI: Từ trường mạnh kết nối với một máy vi tính cho thấy những hình ảnh chi tiết trong cơ thể. Hình ảnh có thể được in lại. Đôi khi phải chích chất tương phản để hình ảnh quan sát được rõ ràng hơn. Có thể thấy u não hoặc những vấn đề bất thường khác ở não.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm

– Chụp mạch máu: Chất cản quang tiêm vào mạch máu sẽ di chuyển đến não bộ để giúp bác sĩ quan sát rõ u não nếu có.

– X Quang sọ: Một số loại u não gây kết tủa calcium hoặc những thay đổi ở xương sọ. Chụp XQuang giúp bác sĩ thấy những thay đổi đó.

– Chọc dò tuỷ sống: Bác sĩ rút một ít dịch não tuỷ qua chọc dò ống sống bằng cây kim dài và mỏng. Thủ thuật này được thực hiện với gây tê tại chỗ. Thời gian thực hiện kéo dài khoảng 30 phút. Bịnh nhân cần nằm đầu thấp vài giờ sau đó để tránh bị nhức đầu. Phòng xét nghiệm sẽ kiểm tra dịch não tuỷ để tìm tế bào ung thư hoặc các dấu hiệu bịnh lý khác.

– Chụp tuỷ sống: Chụp XQuang tuỷ sống có tiêm thuốc cản quang vào dịch não tuỷ qua chọc dò ống sống để phát hiện u ở tuỷ sống.

– Sinh thiết: Lấy một ít mô để quan sát dưới kính hiển vi và tìm tế bào ung thư. Sinh thiết có thể cho thấy hiện diện của tế bào ung thư, những thay đổi tế bào có thể dẫn đến ung thư và những bất thường khác. Sinh thiết là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán u não. Bác sĩ phẫu thuật có thể làm sinh thiết bằng 3 cách sau:

+ Sinh thiết kim: Rạch đường nhỏ ở da đầu, khoan một lỗ nhỏ qua xương sọ sau đó dùng kim hút một ít mô não bị khối u.

+ Sinh thiết qua hướng dẫn của CT scan hoặc MRI.

+ Sinh thiết đồng thời với điều trị: Bác sĩ lấy một ít mô gửi xét nghiệm tế bào sau khi đã cắt bỏ khối u não.

Đôi khi không thể thực hiện được sinh thiết. Phẫu thuật viên không thể lấy mô bướu để làm sinh thiết mà không gây tổn thương đến não bộ khi khối u nằm ở thân não hoặc một số vị trí nguy hiểm khác. Khi đó, bác sĩ sẽ dùng MRI, CT, hoặc các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác.

10. Các phương pháp điều trị

Bệnh nhân u não có nhiều chọn lựa trong điều trị. Tuỳ theo typ của khối u và giai đoạn và bịnh nhân có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị. Một số bệnh nhân được điều trị phối hợp.

a. Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường dùng cho đa số u não.

b. Điều trị bằng tia xạ (còn gọi là xạ trị) dùng các tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ có thể là tia XQuang, tia gamma hoặc tia protons. Dùng một cỗ máy lớn chiếu chùm tia vào khối u và mô chung quanh. Đôi khi tia xạ còn được chiếu vào toàn bộ não bộ hoặc tuỷ sống. Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật. Tia xạ tiêu diệt những tế bào còn sót lại. Đôi khi xạ trị sẽ được sử dụng thay thế khi không thể tiến hành phẫu thuật. Liệu trình xạ trị thay đổi tuỳ theo loại u, kích thước và tuổi của bệnh nhân.

c. Hoá trị liệu (Chemotherapy): dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, đôi khi cần thiết trong điều trị u não. Thuốc có thể dùng đường uống hoặc tiêm. Dù đường nào thì thuốc cũng vào máu và di chuyển khắp cơ thể. Thuốc này được sử dụng từng đợt để cơ thể có thời gian hồi phục sau mỗi đợt điều trị. Hoá trị liệu thường được sử dụng ngoại trú, ít khi cần nhập viện điều trị. Hoá trị liệu thường được sử dụng ở trẻ em. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể được hoá trị sau khi đã phẫu thuật và xạ trị.

11. Phục hồi chức năng sau điều tri U não?

Đội chăm sóc sẽ cố gắng hỗ trợ bỆnh nhân để phục hồi lại các hoạt động thường ngày càng sớm càng tốt:

– Vật lý trị liệu: U não và điều trị u não có thể gây liệt. Có thể bị suy yếu và rối loạn thăng bằng. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân lấy lại sức lực và sự cân bằng.

– Chuyên gia điều trị giọng nói (Speech therapists) giúp những bệnh nhân có khó khăn về giọng nói, cách diễn đạt và rối loạn nuốt.

– Các chuyên gia về điều trị bằng công việc (Occupational therapists): Họ sẽ giúp bệnh nhân phục hồi lại các hoạt động thường ngày như ăn, dùng nhà vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo.

Các chăm sóc hỗ trợ đặc biệt cần thiết ở trẻ em u não nhằm phục hồi và duy trì những hoạt động của não

12. Lưu ý sau điều trị u não

Tái khám đều đặn rất quan trọng sau điều trị u não. Bác sĩ sẽ chú ý khám kỹ lâm sàng và thần kinh để kiểm tra xem u có tái phát. Tuỳ theo tình huống mà bác sĩ có thể cho chụp lại MRI hoặc CT scan để kiểm tra. Nếu bệnh nhân được đặt shunt, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng hoạt động của nó. Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về kế hoạch theo dõi bệnh, thời gian tái khám và các xét nghiệm cần làm để kiểm tra.

BS. ĐỒNG NGỌC KHANH – BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn