Xu Hướng 5/2024 # Tp Hcm ‘Bó Tay’ Trong Quản Lý Bệnh Nhân Lao Bỏ Trị # Top 5 Yêu Thích

Rất ít bệnh nhân lao tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Họ đa phần là lao động nhập cư, đời sống thấp và không ổn định. Thành phố một mặt không thể từ chối điều trị, song không hề có quy định ràng buộc với đối tượng này. Gánh nặng của các Tổ chống lao quận, huyện trong hạn chế nguồn lây từ bệnh nhân bỏ trị vẫn còn đó.

Phòng khám lao quận 8, TP HCM, bắt đầu làm việc từ 6h sáng, khi nhân viên y tế sắp sẵn từng túi thuốc để phát cho bệnh nhân, tuân thủ biện pháp hóa trị ngắn ngày có giám sát trực tiếp (DOTS). Một người dáng vẻ tiều tụy trong bộ quần áo bảo hộ lao động nói: “Tôi phải đến lĩnh thuốc sớm, chích và uống cho xong để còn kịp giờ đi làm. Lãnh đạo mà biết tôi bệnh thì sẽ mất việc”.

Tỷ lệ mắc lao ở khu vực phía Nam – trung tâm văn hóa, kinh tế trọng điểm – đang tăng cao, chiếm hơn một nửa trong gần 98.000 bệnh nhân lao đăng ký điều trị trong cả nước. Theo bác sĩ Hoàng Thị Quý, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Sự di dân tự do, sự gia tăng số ca nhiễm HIV trong cộng đồng làm tăng khả năng mắc lao. Mặt khác, việc người dân tín nhiệm chương trình phòng chống lao và đến đăng ký điều trị nhiều hơn cũng làm tăng con số thống kê bệnh nhân lao. Theo bà Quý, sự gia tăng chỉ số này ở khu vực phía Nam không có gì bất thường.

Ý tưởng mở cửa sớm phục vụ người bệnh, đặc biệt công nhân, là của bác sĩ Lê Văn Nhân, Trưởng phòng khám lao, Tổ chống lao quận 8. Nơi đây đã nhận chữa trị đối tượng này từ nhiều năm, trong khi nhiều đơn vị khác “ngại” thu dung những người lao động nhập cư, hộ khẩu tạm trú để chữa trị. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ bỏ trị ở quận 8 cao tới hơn 5% năm 2004. Hiện tại, cả quận đang quản lý hồ sơ của gần 800 bệnh nhân, trong đó 20% lao động nhập cư, gần 10% nhiễm HIV/AIDS.

Công việc hằng ngày tại phòng khám là xét nghiệm thử đờm các mẫu, tìm ra mẫu nào có BK (+) (có vi trùng lao), sẽ cho bệnh nhân đăng ký, cấp thuốc cho mỗi người 2 lần/tháng. Quận sẽ cử người xuống xác minh địa chỉ thường trú, tạm trú, bắt buộc bệnh nhân phải đến trạm y tế phường hằng ngày để chích và uống thuốc, ký tên vào phiếu theo dõi trước sự chứng kiến của nhân viên y tế.

Quy trình điều trị bệnh lao phổi tuân thủ 2 phác đồ. Đối với bệnh mới, áp dụng phác đồ 1 (sử dụng 4 kháng sinh) trong 8 tháng: 2 tháng đầu giai đoạn tấn công; thời gian sau là củng cố. Sau tháng thứ 2, 5 và 8 phải thử BK để có kết luận về hiệu quả điều trị. Thông thường, một ca bệnh có đáp ứng thuốc trong 2 tháng đầu, thử đờm đã tiệt được gần hết vi trùng lao. Phác đồ 2 chỉ áp dụng với những người thất bại đối với phác đồ 1, áp dụng trong 8 tháng (5 kháng sinh).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nhân, những khó khăn trong điều trị và quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn quận cũng xuất phát từ thời gian 8 tháng quá kéo dài, trong khi phải giám sát trực tiếp hằng ngày . Nhiều bệnh nhân bỏ trị sau 2 tháng dùng thuốc, vì lúc này, triệu chứng đã bớt nhiều. Đa số bỏ trị là dân nhập cư, những người có cuộc sống không ổn định, công việc thời vụ. “Thu hút bệnh nhân thì dễ, thí dụ ở Bình Chánh, Bình Hưng, tạm trú cũng nhận nhưng bỏ thì chúng tôi không tìm được, không thể xuống Bình Chánh tìm người”.

Nguyên nhân khác còn do cán bộ trạm y tế kiêm nhiệm quá nhiều chương trình, không thể dồn công sức quản lý bệnh nhân lao. Khi bỏ thuốc 1, 2 tháng đi mời lại thì đã quá muộn, hoặc không tìm thấy người bệnh theo địa chỉ đăng ký. Ông Nhân cảnh báo: “Những người bỏ trị có nguy cơ lây nhiễm sang người khác tùy thuộc số vi trùng có trong đờm, nên không thể dự đoán được mức độ bao nhiêu. Bệnh nhân sau này trị khó hoặc không được”.

Thấy trước những tác hại này, Tổ chống lao quận 8 đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, cách duy nhất giảm tỷ lệ bỏ trị. Đối với những bệnh nhân có BK (+) khi đăng ký điều trị ở phòng khám, cán bộ y tế sẽ tập trung nhóm khoảng 5-10-15 người tư vấn 30 phút về nguyên tắc điều trị, nhấn mạnh nguy cơ lây lan vi trùng cho người khác nếu bỏ trị. Ngay ngoài sảnh nơi phát thuốc cũng thường bật băng phát thanh, để sẵn tờ rơi cho người dân. Phòng khám cũng mở cửa sớm để phát thuốc cho công nhân kịp giờ đi làm. Nội dung phòng chống lao đã được phối hợp tuyên truyền ở từng khu dân phố, lồng ghép trong cuộc họp Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ.

Về vấn đề này, dược sĩ Nguyễn Chí Quý, Trưởng phòng Chỉ đạo chương trình, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thừa nhận, những khó khăn của Tổ chống lao quận 8 cũng là của toàn mạng lưới TP HCM. Tỷ lệ bỏ trị năm 2004 toàn thành là 3,7%, cao hơn so với toàn quốc. Tuy nhiên, thành phố cũng chưa có biện pháp cụ thể giảm tỷ lệ này. “Chưa có quyết định gì ràng buộc đối với bệnh nhân về mặt pháp lý, nên nỗ lực của chương trình chỉ dừng lại ở giáo dục, động viên”, ông Quý nói.

Lê Nhàn