Xem Nhiều 4/2024 # Yên Thành, Vùng Đất Giàu Truyền Thống Văn Hóa # Top 1 Yêu Thích

(Baonghean.vn) Được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh, với 28 vạn dân, 39 xã, thị trấn, 80% là nông dân gắn bó thuỷ chung với ruộng đồng chiêm trũng từ bao đời nay, miền quê lúa Yên Thành đã đi vào ca dao xưa “Hết gạo đã có gạo buôn Đông Thành”. Song cũng như bao miền quê khác, Yên Thành không chỉ giàu về lúa gạo, mà còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng.

Là một miền quê đất lành lúa tốt, nổi tiếng gần xa, quê hương Yên Thành đã sản sinh những danh nhân, khoa bảng hiền tài, anh hùng hào kiệt làm rạng danh cho đất nước. Trạng nguyên Bạch Liêu là vị Trạng nguyên đầu tiên ở Nghệ An, những tên tuổi như: Hồ Tông Thốc, Lê Doãn Nhã, Phan Thúc Trực, Phan Đăng Lưu… là những “nhân kiệt” được sinh raở mảnh đất “địa linh” này, làm rạng danh truyền thống lịch sử văn hoá quê hương. Phải thế chăng mà lãnh đạo huyện Yên Thành đã biết khơi dậy truyền thống đó vào đời sống của mỗi người dân, cũng như định hướng phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của địa phương, thông qua thực hiện đề án phát triển văn hoá thể thao giai đoạn 2006 – 2010. Với mục tiêu nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá thể thao nhằm nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Trước hết, nói về con người làm văn hoá ở đây. Có thể nói, ở Yên Thành, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từ huyện đến xã đã có sự chuyển biến về chất. Ở trung tâm văn hoá huyện có 16 cán bộ thì đã có 7 người có trình độ đại học, 3 cao đẳng, số còn lại đều có trình độ trung cấp, được bố trí làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Cán bộ văn hoá cấp xã cũng đều có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp trở lên. 39/39 xã, thị có cán bộ công chức văn hoá được đào tạo chuyên môn phù hợp, trong đó hơn 50% có trình độ đại học và cao đẳng.

Bên cạnh việc tăng cường chất lượng cán bộ văn hoá, huyện đã từng bước tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá thể thao. Trung tâm Văn hoá huyện đã được đầu tư, nâng cấp các thiết chế như: phòng truyền thống, thư viện, sân chơi thể thao, nhà văn hoá. Toàn huyện có 485/488 làng quy hoạch đất dành cho hoạt động văn hoá – thể thao, đạt tỷ lệ 99,3%. Toàn huyện có 474/488 làng có nhà văn hoá, trong đó trên 50% đạt chuẩn, 38/39 xã có sân vận động. Hầu hết các xã đều có thư viện, bưu điện văn hoá, phòng truyền thống, đài truyền thanh cơ sở. Đến cuối năm 2010, toàn huyện có 235 làng chiếm 47% đạt danh hiệu văn hoá, 83% gia đình văn hoá, 14 xã được UBND huyện công nhận xã xây dựng thiết chế văn hoá thể thao đạt chuẩn…

Về Yên Thành, cảm nhận và ấn tượng nhất đối với chúng tôi là sự đầu tư của huyện đối với sự nghiệp phát triển văn hoá xã hội. Mỗi xã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng thiết chế văn hoá thể thao được huyện đầu tư 10 triệu đồng, mỗi làng văn hoá xây dựng đạt chuẩn về thiết chế văn hoá được huyện thưởng 1 triệu đồng, xóm nào xây dựng được nhà văn hoá huyện hỗ trợ 15 triệu đồng… Giải pháp kích cầu trên đã tạo động lực cho người dân phấn khởi, tự giác, đồng tâm nhất trí phát huy nội lực để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá. Hiện nay, nhiều nhà văn hoá có kinh phí trên 200 triệu đồng là kết quả của công tác xã hội hoá và phát huy nội lực của người dân.

Điều đáng ghi nhận ở Yên Thành là các hoạt động văn hoá, thể thao đều hướng đến phục vụ nhân dân và đáp ứng được nhu cầu cơ sở. Vì vậy, các mô hình hoạt động văn hoá được huyện chỉ đạo xây dựng để nhân rộng trong toàn huyện đã phát huy, phục vụ tốt cơ sở như các mô hình: Văn nghệ thông tin ở Lăng Thành, Câu lạc bộ tuồng ở Xuân Thành, cưới theo nếp sống văn hoá ở Đồng Thành… Yên Thành là đất hát tuồng được cả nước biết đến, các câu lạc bộ tuồng hoạt động thường xuyên và có chất lượng như: Xuân Thành, Bắc Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Đồng Thành. Chính quyền các xã đã nuôi dưỡng các câu lạc bộ, các đội văn nghệ bằng cách cấp ruộng để sản xuất gây quỹ hoạt động.

Hàng năm, các câu lạc bộ, các đội văn nghệ đã xây dựng nhiều chương trình đặc sắc phục vụ nhân dân trong những dịp lễ, tết, ngày hội, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Yên Thành không chỉ được biết đến là đất lúa, đất học, đất cách mạng, Yên Thành còn được biết đến là đất văn chương, đất sản sinh những con người hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí, đã và đang có những cống hiến xứng đáng trong phong trào văn hoá văn nghệ của tỉnh nói chung, của huyện nhà nói riêng.

Đồng hành cùng quê hương đất nước, các văn nghệ sỹ và hoạt động văn hoá, báo chí miền quê lúa đã có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo được những gương mặt văn hoá đáng trân trọng, tạo dấu ấn trong công chúng, nỗ lực sáng tạo, góp phần tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng trong đại gia đình văn nghệ và báo chí tỉnh nhà. Đó là Huy Huyền, Ngô Đức Tiến, Phan Văn Từ, Đặng Hồng Thiệp, Nguyễn Đăng Chế, Lăng Hồng Quang, Phan Bá Hàm, Hoàng Văn Hân, Nguyễn Duy Đối, Phan Thế Phiệt, Phan Sinh Viên, Nguyễn Thế Kỷ, Hoàng Chỉnh, … Những tác phẩm văn nghệ và báo chí của họ đã góp phần tạo nên phong trào văn hoá văn nghệ của miền quê lúa đang ngày càng khởi sắc, và chính những tác phẩm của họ đã góp phần làm giàu thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân huyện nhà.