Xem Nhiều 5/2024 # Bệnh Hẹp Môn Vị Dạ Dày: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị # Top 0 Yêu Thích

Bị hẹp môn vị là hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày, không tự xuống ruột hoặc xuống rất ít. Khi bị hẹp môn vị, bệnh sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ thức ăn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

Hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Hậu quả làm dạ dày bị dãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày sau 6 giờ vẫn chưa lưu thông hết.

Hội chứng hẹp môn vị nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ nhanh chóng dẫn đến rối loạn chuyển hóa nước, điện giải, toàn thân suy kiệt do lưu thông dạ dày – ruột bị đình trệ. Do đó, khi được chẩn đoán bị hẹp môn vị dạ dày, người bệnh cần thăm khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Ai hay mắc bệnh hẹp môn vị?

Bệnh hẹp môn vị thường gặp ở những người có bệnh ở dạ dày hoặc tá tràng, hoặc cả hai. Khi dạ dày hoặc tá tràng bị viêm, loét hoặc loét bờ cong nhỏ gần môn vị lâu ngày sẽ làm cho tổ chức của tá tràng bị xơ hoá, co kéo gây chít hẹp môn vị.

Một số trường hợp bệnh hẹp môn vị hay gặp ở những người bị ung thư hang vị dạ dày. Các khối u này làm chít hẹp lòng của môn vị kèm theo sự viêm nhiễm làm cho lòng của môn vị bị hẹp lại khiến thức ăn và dịch vị rất khó đi qua hoặc không thể đi qua để xuống ruột.

Ngoài ra, bệnh hẹp môn vị còn hay gặp trong trường hợp có polyp ở môn vị, sẹo môn vị do bỏng hoặc hẹp môn vị bẩm sinh, hẹp môn vị do nguyên nhân ngoài dạ dày…

Nguyên nhân hẹp môn vị

Dạ dày của người bình thường gồm tâm vị, bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, hang vị, môn vị. Môn vị nằm cuối dạ dày, chỗ tiếp nối với hành tá tràng. Khi một bộ phận nào đó của dạ dày bị tổn thương đều có ảnh hưởng tới môn vị và ngược lại.

– Nguyên nhân của hẹp môn vị là do bệnh ở dạ dày hoặc tá tràng hoặc cả hai

Do viêm nhiễm tại ổ loét, gây phù nề niêm mạc dẫn đến chít hẹp lòng tá tràng. Vì vậy, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới loét xơ chai, gây biến dạng, co kéo và chít hẹp môn vị.

– Ung thư hang – môn vị dạ dày: Trong bệnh lý ung thư dạ dày, tỷ lệ ung thư vùng hang – môn vị là cao nhất. Các khối u xâm lấn lây nhiễm ở thành dạ dày xung quanh làm hẹp môn vị. Tình trạng hẹp môn vị tăng dần theo tiến triển của khối u.

– Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: Polyp ở môn vị hay gần môn vị tụt xuống; Sa tụt niêm mạc dạ dày qua lỗ môn vị; Hẹp phì đại môn vị ở người lớn; teo cơ hang vị, hẹp phì đại môn vị; u tụy xâm lấn môn vị, tá tràng; viêm dính quanh tá tràng…

Hẹp môn vị có thể xảy ra cấp tính nhưng có thể xảy ra trong một thời gian dài với biểu hiện bệnh đa dạng, chia thành nhiều giai đoạn bệnh với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.

Chẩn đoán hẹp môn vị như thế nào?

Chẩn đoán hẹp môn vị chủ yếu dựa vào nội soi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới rối loạn chuyển hóa nước, điện giải, toàn thân suy kiệt và đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Triệu chứng của bệnh hẹp môn vị

Thông thường khi mới mắc bệnh, môn vị thường hẹp ít. Tùy vào từng giai đoạn cụ thể mà có sự thay đổi về triệu chứng của bệnh hẹp môn vị.

– Ở giai đoạn đầu: Mức độ hẹp môn vị ít, chưa bị tắc hoàn toàn nên người bệnh sẽ có triệu chứng chóng no, buồn nôn và nôn, sụt cân. Người bệnh còn có cảm giác đầy hoặc nặng ở vùng thượng vị sau bữa ăn, đau vùng trên rốn, đau dội lên sau bữa ăn, nôn ngay sau khi ăn.

Chụp X quang sẽ thấy dịch đọng trong dạ dày, dạ dày co bóp nhiều và mạnh.

– Giai đoạn muộn: các triệu chứng hẹp môn vị nặng hơn, đau liên tục, có khi đau râm ran nhưng có khi lại đau dữ dội do ứ đọng thức ăn và luôn có cảm giác trướng bụng. Người bệnh khi nằm hoặc thay đổi tư thế có thể nghe tiếng róc rách trong bụng, người gầy, xanh xao, mệt mỏi, thèm ăn và đau nhiều hơn, da khô và nhăn nheo…

Khi chiếu, chụp Xquang sẽ thấy nhiều dịch trong dạ dày, dạ dày co bóp yếu, giãn to, có khi sa xuống tận đáy chậu…

Điều trị bệnh hẹp môn vị

Hiện nay, cách điều trị bệnh hẹp môn vị chủ yếu là bằng phẫu thuật. Trước khi mổ, bệnh nhân phải được bồi phụ nước và điện giải, nâng cao thể trạng bằng truyền huyết thanh ngọt, truyền đạm và máu nếu cần.

Phẫu thuật hẹp môn vị nhằm giải quyết tình trạng hẹp môn vị đồng thời chữa tiệt căn các bệnh gây hẹp môn vị. Nếu là ung thư dạ dày có thể cắt toàn bộ dạ dày hoặc cắt bán phần dạ dày tùy theo vị trí kích thước giai đoạn khối u.

Trường hợp bệnh nhân điều trị muộn hoặc tuổi cao, thể trạng quá yếu thì có thể nối vị tràng để lập lại lưu thông tiêu hóa. Đối với loét dạ dày tá tràng mạn tính thì cắt 2/3 dạ dày, cắt dây thần kinh X chọn lọc, đồng thời mở rộng môn vị hoặc cắt dây thần kinh số X kết hợp nối vị tràng. Bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, đang bị các bệnh mạn tính như suy tim, lao, hen… thì nối vị tràng đơn thuần.

Bệnh hẹp môn vị gây tổn hại cho sức khỏe nên khi thấy những triệu chứng hẹp môn vị cần phải điều trị nhanh chóng, kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh hẹp môn vị

Để phòng tránh bệnh hẹp môn vị cần chú ý tới nguyên nhân gây bệnh. Nên áp dụng chế độ ăn uống điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế ăn thực phẩm chua, rượu bia, thuốc lá… vì dễ gây viêm loét dạ dày làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị.

Trường hợp đang bị các bệnh lý về dạ dày – tá tràng cần được điều trị tích cực, đúng phác đồ và kiêng khem đúng mực để bệnh chóng bình phục.

Tiến hành khám sức khỏe định kỳ nhằm kịp thời phát hiện và điều trị tích cực các bệnh về dạ dày như ung thư dạ dày, polyp dạ dày…để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị.