Đề Xuất 5/2024 # Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn Đầu Có Chữa Được Không? # Top 2 Yêu Thích

1. Tìm hiểu về bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu

1.1. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu là gì?

Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính đường tiêu hóa đứng đầu ở nam giới và thứ hai ở nữ giới. Bệnh khởi phát từ sự phát triển và nhân lên bất thường của các tế bào tại dạ dày – cơ quan nằm trong ổ bụng tiếp giáp với thực quản và phần đầu của đại trực tràng. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, mắc các bệnh lý dạ dày mạn tính, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, nhiễm vi khuẩn HP, hút thuốc lá, uống rượu bia… được coi là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Đặc điểm của ung thư dạ dày giai đoạn đầu là khối u có kích thước nhỏ, mới chỉ phát triển tại lớp lót của thành dạ dày, có thể lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa có sự lây lan đến các cơ quan lân cận và ở xa.

1.2. Các giai đoạn của ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu được chia làm 2 giai đoạn nhỏ:

– Giai đoạn 1A có nghĩa là ung thư chỉ giới hạn trong dạ dày, không phát triển ra lớp lót của dạ dày. Không có ung thư ở các hạch bạch huyết.

– Giai đoạn 1B: ung thư vẫn nằm trong lớp lót dạ dày, nhưng có những tế bào ung thư ở gần 1 hoặc 2 hạch bạch huyết lân cận hoặc không có tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết, nhưng ung thư đã phát triển đến các cơ của thành dạ dày.

2. Biểu hiện của ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu chưa có biểu hiện rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Càng về giai đoạn sau, biểu hiện bệnh càng rõ với mức độ nặng hơn rất nhiều. Một số biểu hiện bệnh thường gặp là:

– Đau bụng: Cơn đau có thể xảy bất kỳ thời điểm nào, kể cả khi đói hay no. Cơn đau thường xảy ra ở vị trí trên rốn, lúc đầu có thể âm ỉ và sau đó dữ dội dần và lan sang các vị trí khác của cơ thể như lồng ngực gây khó thở.

– Ợ nóng, ợ chua: Là những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Ợ nóng gây cảm giác bỏng rát ở vùng ngực, đặc biệt là khi nằm và cúi. Ợ chua phổ biến ở những người bị ung thư dạ dày từ tổn thương do bệnh trào ngược dạ dày mạn tính.

– Chướng bụng đầy hơi: Gây cho người bệnh cảm giác luôn cảm thấy no và chán ăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng chướng bụng, đầy hơi như ăn quá nhiều tinh bột, rối loạn đường ruột… nhưng cũng không nên bỏ qua căn bệnh ác tính ung thư dạ dày.

– Nôn, buồn nôn: Cảm giác buồn nôn có thể xuất hiện sau khi ăn hoặc lúc đói

– Mệt mỏi, giảm cân không lý do: Đây là những triệu chứng toàn thân chung của nhiều bệnh ung thư.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, các dấu hiệu của ung thư dạ dày rất dễ nhầm lẫn với một vài bệnh khác như viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày…, bởi vậy mà cũng rất dễ bị bỏ qua. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan.

3. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu có chữa được không?

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu là giai đoạn sớm nhất, khi mà khối u nằm hoàn toàn trong dạ dày, chưa xâm lấn đến các cơ quan lân cận. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu có chữa được không là vấn đề được nhiều bệnh nhân và người nhà quan tâm.

So với các bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp, ung thư dạ dày được xếp vào nhóm bệnh có tiên lượng sống tương đối cao. Ngoài giai đoạn tiến triển bệnh, khả năng điều trị bệnh thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác bệnh nhân, mức độ đáp ứng điều trị bệnh của mỗi người và phác đồ điều trị riêng. Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu có khoảng 57 – 71% cơ hội sống (trong 5 năm) nếu được điều trị tích cực.

Một số phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu là:

– Phẫu thuật: Là phương pháp được đánh giá cao trong điều trị ung thư dạ dày những giai đoạn đầu với mục đích loại bỏ toàn bộ khối u với kích thước nhỏ mới chỉ phát triển ở lớp lót bên trong dạ dày qua ống nội soi. Tùy từng tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần, toàn bộ dạ dày kết hợp loại bỏ hạch bạch huyết vùng bụng. Phẫu thuật có thể được bổ trợ bằng một số phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị.

– Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao như tia X từ máy chiếu xạ để loại bỏ khối u tại một vùng cư trú. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn có thể bổ trợ tốt cho phẫu thuật. Xạ trị trước phẫu thuật với mục đích làm nhỏ khối u, hạn chế sự nhân lên của tế bào ung thư, đảm bảo phẫu thuật loại bỏ hết được khối u.

– Hóa trị: Hóa trị liệu là phương pháp điều trị bằng thuốc, chủ yếu truyền qua tĩnh mạch đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị liệu kết hợp với xạ trị thường được chỉ định như phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu không đủ điều kiện phẫu thuật do một số lý do như tuổi quá cao, mắc nhiều bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch…

4. Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?

Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ nhưng có nhiều yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh mà chúng ta có thể kiểm soát được, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào? Theo các chuyên gia, không có biện pháp phòng bệnh nào là tuyệt đối tuy nhiên việc thực hiện lối sống khoa học như ăn uống lành mạnh, tích cực vận động, điều trị dứt điểm viêm dạ dày… là việc làm cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Điều trị bệnh viêm loét dạ dày tích cực để tránh những biến chứng nguy hiểm

Không phải cứ nhiễm HP là bị ung thư dạ dày nhưng đây là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần chú ý. Điều trị HP thường sử dụng phác đồ 3 thuốc trong đó có hai loại kháng sinh và 1 loại ức chế tiết axit nhóm PPI.

Thực hiện ăn uống khoa học

Ung thư dạ dày vẫn được gọi là bệnh vào từ miệng. Chế độ ăn như thế nào có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Để giảm nguy cơ ung thư dạ dày, bạn cần chú ý:

– Ăn nhạt, không sử dụng quá nhiều muối chế biến thức ăn.

– Hạn chế đồ ăn hun khói, nhiều dầu mỡ

– Không sử dụng các loại thực phẩm quá hạn, nấm mốc

– Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng sức đề kháng, miễn dịch…

– Ăn uống đúng giờ, không ăn vặt về đêm…