Xem Nhiều 5/2024 # Xây Dựng Thành Công Qui Trình Chẩn Đoán Và Điều Trị Ung Thư Da Ở Việt Nam # Top 1 Yêu Thích

Xác định được đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư da ở Việt Nam; Xây dựng được qui trình chẩn đoán và điều trị ung thư da ở Việt Nam;… là những kết quả chính của đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư da” (mã số KC.10.09/11-15) do PGS. TS. Trần Hậu Khang, Bệnh viện Da liễu Trung ương làm chủ nhiệm.

Bệnh UTD thường gặp ở người tiếp xúc với ánh nắng liên tục

Theo PGS. TS. Trần Hậu Khang, ung thư da (UTD) là một trong những ung thư thường gặp ở trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. UTD được chia thành 2 nhóm chính: ung thư tế bào hắc tố và ung thư tế bào không hắc tố. 3 loại ung thư thường gặp nhất trong UTD là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.

Có nhiều yếu tố gây UTD, trong đó quan trọng nhất là ánh nắng mặt trời. Bên cạnh ánh sáng mặt trời và HPV, nhiễm độc một số kim loại nặng như arsenic cũng là nguyên nhân của UTD, nhất là ung thư tế bào vảy. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tỉ lệ ung thư tế bào vảy cao ở những vùng nước sinh hoạt bị nhiễm arsenic. Ở những người có nồng độ arsenic cao trong móng có nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy cao gấp gần 2 lần so với người bình thường. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu đề cập đến tác dụng của thuốc lá, hắc ín, các chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu hoại chất diệt nấm cũng là những nguyên nhân gây ung thư tế bào vảy.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, số người mắc ung thư nói chung và UTD nói riêng tăng rất nhanh. Theo số liệu của Tổ chức Phòng chống ung thư quốc tế, năm 1990 nước ta có 52.721 người mới mắc ung thư và năm 2002 tăng lên 75.150 người. Ở Hà Nội giai đoạn 1992 – 1996, tỉ lệ mắc UTD là 2,9 – 4,5/100.000 dân. Ở Tp. Hồ Chí Minh, năm 1997 tỉ lệ chuẩn theo tuổi chung cho cả 2 giới là 3/100.000 dân, xếp thứ 8 trong 10 loại ung thư thường gặp. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân UTD đến khám và điều trị năm 2009 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2007.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp mắc UTD, đặc biệt là nông dân, những người làm nghề chài lưới, nhưng do hạn chế hiểu biết về bệnh nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh UTD đã không đến khám hoặc đến quá muộn khi tổ chức ung thư đã di căn. Trong khi đó, các cơ sở y tế có thể chẩn đoán và điều trị UTD ở nước ta không nhiều, chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da thường ở giai đoạn muộn.

Mặc dù đã có không ít nghiên cứu về UTD ở Việt Nam trong thời gian qua ở cả ba miền. Tuy nhiên, hầu hết là nghiên cứu hồi cứu về tình hình đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của các bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện với cỡ mẫu rất hạn chế, chưa phản ánh được thực trạng tình hình UTD ở nước ta. Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về đặc điểm dịch tễ cũng như các yếu tố nguy cơ của UTD một cách hệ thống. Nhiều trường hợp UTD không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Điều trị UTD bằng các phương pháp cổ điển thường dễ tái phát. Kỹ thuật MOSH là một phương pháp điều trị hiện đại, đang được nghiên cứu triển khai ở một số nước tiên tiến. Kỹ thuật đã tạo ra được bước đột phá trong điều trị UTD, giúp phẫu thuật viên xác định ngay được việc loại bỏ hết tổ chức ung thư trong quá trình phẫu thuật, giảm tối đa mức độ tái phát của bệnh.

Ở nước ta kỹ thuật này bước đầu đã được thực hiện tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và cho kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, cần tiến hành nghiên cứu đầy đủ để có kết luận chính xác về hiệu quả của phương pháp điều trị nói trên. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư da” từ tháng 2/2012.

Xây dựng thành công quy trình chẩn đoán và điều trị UTD

PGS. TS. Trần Hậu Khang cho biết, đề tài hướng đến mục tiêu xác định được đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ của bệnh UTD ở Việt Nam; đánh giá hiệu quả điều trị UTD tại Bệnh viện Da liễu Trung ương; xây dựng được quy trình chẩn đoán và điều trị UTD.

Sau quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được báo cáo đặc điểm dịch tễ học và các yếu tố nguy cơ của UTD. Cụ thể, xác định được tỉ lệ hiện mắc và các yếu tố nguy cơ gây UTD ở Việt Nam. Sản phẩm đã được công bố ở các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cùng với đó, đưa ra quy trình chẩn đoán UTD có thể chẩn đoán sớm các loại UTD, độ chính xác cao trên 90% các trường hợp; quy trình điều trị UTD đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và phù hợp với từng loại UTD; báo cáo đánh giá kết quả điều trị UTD với tỉ lệ tái phát dưới 5%, kéo dài thời gian sống sau điều trị; báo cáo đề xuất các biện pháp dự phòng UTD phù hợp và mang tính khả thi với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; báo cáo tổng thể kết quả nghiên cứu đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sản phẩm của đề tài. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã xuất bản cuốn sách “Ung thư da và các biện pháp phòng tránh”.

Theo kết quả nghiên cứu, giai đoạn 2008 – 2010, trên cơ sở khảo sát về 6 tỉnh cho thấy, tỉ lệ mắc UTD cao nhất là ở TP. Cần Thơ với cả nam lẫn nữ, sau đến TP. Hồ Chí Minh: tỉ lệ hiện mắc ở nam là 16,5/100.000 dân, nữ là 15,0/100.000 dân. Ở các tỉnh còn lại tỉ lệ hiện mắc UTD dao động khoảng từ 5,5 – 8,5/100.000 dân. Tỉ lệ mới mắc UTD cao nhất cũng ở TP. Cần Thơ (nam là 5,1/100.000 dân và nữ là 5,0/100.000 dân) và tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh còn lại tỉ lệ mới mắc UTD dao động khoảng 1,1 – 1,7/100.000 dân.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu về ung thư tế bào đáy, loại bệnh này gặp cả ở lứa tuổi trẻ nhưng với tỉ lệ thấp (bệnh nhân trẻ nhất 24 tuổi) và tỉ lệ bệnh tăng dần theo độ tuổi. Độ tuổi hay mắc ung thư tế bào đáy là từ 50 tuổi trở lên và cao nhất ở lứa tuổi 70 – 79. Loại bệnh này gặp nhiều nhất ở nông dân (52,1%) và người đã về hưu (35,5%). Hầu hết các trường hợp ung thư tế bào đáy là do hậu quả của làm việc dưới ánh nắng mặt trời. Những bệnh nhân là nông dân thường có thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liên tục, kéo dài và có nguy cơ mắc cao gấp 1,7 lần so với những người không làm việc ngoài trời nắng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp nghiên cứu của đề tài mang tính khoa học và thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách về UTD của Bộ Y tế và của ngành da liễu xác định, định hướng chiến lược điều trị và phòng tránh UTD ở Việt Nam. Hiện nay, việc chẩn đoán sớm UTD tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, điều trị UTD còn chưa nhất quán. Do vậy, nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, xây dựng qui trình chẩn đoán, điều trị và dự phòng là rất cần thiết đối với các cán bộ y tế. Cùng với đó, việc nghiên cứu các phương pháp điều trị hữu hiệu và các biện pháp phòng tránh UTD một cách có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng làm giảm tỉ lệ mắc, giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

Quy trình chẩn đoán, điều trị và phòng tránh UTD do các nhà chuyên môn nghiên cứu một cách khoa học sẽ được ứng dụng trong thực tế để áp dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Từ kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu có thể liên kết với ngành y tế của các địa phương trong việc điều trị và phòng tránh UTD và với các labo nghiên cứu về đột biến gen P53 và BRAF trong chẩn đoán ung thư nói chung và UTD nói riêng.

Các tin khác

English