Xu Hướng 5/2024 # Tự Nguyện Làm Thí Nghiệm Lâm Sàng # Top 5 Yêu Thích

Chị Lĩnh ăn bột gan, mật, da cóc đã 3 tháng qua.

Từ hàng loạt câu hỏi mà bạn đọc gọi điện để tìm hiểu và cung cấp thêm thông tin, ngày 17/6, phóng viên Báo CAND đã tiếp tục tìm đến thăm các bệnh nhân ung thư đang ăn cóc chữa bệnh và chúng tôi đã tận mắt chứng kiến: nhiều điều diệu kỳ đang nối tiếp.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Lĩnh ở thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Vào khoảng tháng 9/2008, chị Lĩnh có cảm giác đau trong người, người rã rời mỏi mệt, chị đi siêu âm và phát hiện có khối u trong gan có kích thước 43mmx47mm. Sau đó gia đình đưa chị Lĩnh vào Bệnh viện Hữu nghị Việt – Cu Ba ở TP Đồng Hới kiểm tra. Được các bác sĩ khẳng định có khối u trong gan, chị Lĩnh lại tiếp tục ra Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra tiếp và điều trị.

Tại đây chị được xác định khối u có to lên song u lành hay u ác thì chưa xác định được, tuy nhiên bệnh viện cũng quyết định sắp xếp lịch để mổ cho chị. Chị Lĩnh lo sợ quá, không chịu mổ nên gia đình đưa chị về nhà. Người chị sụt cân nhanh chóng chỉ còn được hơn 37kg.

Tình cờ gia đình chị nghe được việc ông Khởi ở Quảng Sơn, Quảng Trạch bị ung thư đã ăn cóc và khỏe mạnh hơn 4 năm qua, chồng chị Lĩnh là anh Nguyễn Cảnh Kiền đã ra tận nhà ông Khởi tìm hiểu và về vợ chồng bàn nhau để chị Lĩnh ăn cóc chữa bệnh.

Không nuốt cóc sống như ông Khởi, anh Kiền đã lấy gan, mật, da cóc rồi sấy khô tán nhỏ để chị Lĩnh ăn. Hàng ngày chị Lĩnh ăn từ 2 – 3 thìa cà phê bột gan, mật, da cóc như vậy. Tính đến ngày 17/6, chị Lĩnh đã ăn được hơn 3 tháng và chị đã khỏe ra trông thấy. Hiện chị đã tăng được hơn 43kg. Chị cho biết, hằng ngày gia đình chị đã phải đón hàng chục đoàn người nhà có bệnh nhân ung thư đến tìm hiểu. Và chị đang mỏi mệt vì phải tiếp khách suốt ngày. Chị Lĩnh bảo rằng: “Tui đang chờ thêm một thời gian rồi đi khám để kiểm tra kết quả”. Khi chúng tôi ra về, chị Lĩnh còn chỉ vào 3 bao cóc với hơn 50 con, cười cho biết: “Mấy hôm nay trời nắng, hôm qua may có trận mưa cóc ra nhiều nên chồng chị, các con và người thân bắt cóc về nhốt lại đó để chị dùng dần.

Rời nhà chị Lĩnh, chúng tôi vượt gần 100km quay lại nhà ông Mai Xuân Khởi, xã Quảng Sơn, Quảng Trạch. Vừa đến nhà ông Khởi, phóng viên đã thực sự bất ngờ vì hàng chục người nhà bệnh nhân ung thư từ Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội… đang ở nhà ông Khởi để tìm hiểu việc ăn gan, mật, cóc chữa ung thư. May mắn, phóng viên đã gặp được anh Đào Văn Thành (43 tuổi), trú đường Hà Huy Tập, TP Nam Định.

Anh Thành bị ung thư gan đã gần một năm nay, cơn đau quằn quại đã làm anh nhiều lần nghĩ quẩn. Nhưng ngày 13/6, người nhà đem về cho anh đọc những bài viết trên Báo CAND về các trường hợp ăn cóc chữa bệnh ở Quảng Bình. Gia đình bàn bạc quyết định cử anh Trần Mạnh Tuấn (anh rể anh Thành) đưa anh Thành vào nhà ông Khởi xem thực tế để chữa bệnh. Hai anh em đi tàu vào nhà ông Khởi ở lại đã 4 ngày qua. Sau khi chứng kiến ông Khởi ăn gan, mật cóc, anh Thành đã quyết định nhờ ông Khởi làm cho anh 2 con để anh ăn thử. Trước khi ăn, anh Thành còn dặn anh Tuấn nếu em chết thì anh cố gắng đưa em về quê và xin gia đình ông Khởi cho anh ăn tại nhà. Ông Khởi đồng ý.

Ông Khởi (bên phải) chụp ảnh với phóng viên Báo CAND và anh Tuấn có đề cập trong bài viết vào sáng 17/6.

Điều kỳ diệu lại xuất hiện. Anh Thành không bị ngộ độc cóc chết mà anh lại cảm thấy khỏe ra, ăn ngon miệng, ngồi nói chuyện thoải mái với phóng viên và những người xung quanh.

Anh Tuấn kể: Trước khi vào gặp ông Khởi, mỗi ngày anh Thành phải uống 2 viên thuốc để giảm đau, còn khi ăn cóc ở nhà ông Khởi anh Thành không cần uống thuốc nữa mà vẫn chẳng thấy đau. Tính đến chiều 17/6, anh Thành đã ăn 16 bộ gan, mật cóc sống… Có 3 người nhà bệnh nhân bị ung thư ở Thái Bình, Đắk Lắk, Hà Nội điện cho phóng viên nói: Họ đã cũng thử cho người thân bị ung thư ăn cóc nhưng không bị ngộ độc(?)…

“Tui sẵn sàng là người làm thí nghiệm lâm sàng từ cóc nếu ngành Y tế cần”

Ông Khởi cười nói với phóng viên vậy. Ông thổ lộ: “Tui đã ăn gan, mật, da cóc sống trước mặt nhà báo và đoàn lãnh đạo Sở Y tế cùng hàng trăm người nhà bệnh nhân nên tui khẳng định: Tui sẵn sàng làm người thí nghiệm đầu tiên cho Bộ Y tế. Bộ có thể dùng tất cả những độc tố có trong cóc để tui thử dùng, chắc chắn tui không chết, mà nếu có chết mà Bộ Y tế tìm ra được thuốc trị ung thư từ cóc như tui đã dùng trong suốt 4 năm qua để cứu hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư của Việt Nam ta thì tui cũng vui lòng”.

Hiện nay hằng ngày ông Khởi dùng 5 bộ gan, mật, da cóc sống. Hằng ngày ông thức dậy từ 5h sáng để đi tìm cóc, sau đó về ông rạch bụng cóc lấy gan, mật nuốt sống, còn da cóc ông phơi khô nấu với nước uống. Ông Khởi đã đem cho phóng viên xem kết quả siêu âm mới của ông, kết quả ghi “Gan không lớn, bờ đều, cấu trúc âm đồng nhất, đường mật trong gan không dãn. Gan phải có một khối âm không đồng nhất kích thước 75mmx60mm, tăng giảm âm hỗn hợp, không xô đẩy mạch máu…”. Bác sĩ siêu âm cho ông Khởi là ông Đinh Xuân Hai và bác sĩ Nguyễn Minh Hoài Tâm thuộc phòng khám An Bình do Sở Y tế Quảng Bình cấp phép, ông Khởi siêu âm vào ngày 13/6.

Cũng theo kết quả siêu âm, lách, dạ dày và ruột, tụy, hai thận, bàng quang, túi cùng… của ông Khởi đều bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin cung cấp cho bạn đọc về sự việc ăn cóc chữa bệnh kỳ lạ trên

Cần chấm dứt việc ăn gan, mật cóc khi chưa có kết luận của ngành y tế

Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế chưa nhận được công văn của Sở Y tế Quảng Bình

Theo Đông y, sách ” dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh có viết: “Thiềm thừ (con cóc), khi dùng bỏ hết ruột da, có tính bình, mát, hơi có độc, tác dụng tiêu bạt ung thư (ung sang, thư độc), chữa chó điên cắn, trẻ nhỏ bị cam tích, lở ngứa”. Cho đến nay, dân gian vẫn cho rằng thịt cóc rất bổ dưỡng, nhất là đối với trẻ em.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, nguyên Giám đốc Bệnh viện K: Điều trị ung thư không đơn giản!

Nếu đúng là có hiện tượng người bị ung thư ăn gan, mật cóc sống mà không chết người và khỏe mạnh, thì có khả năng do cấu trúc âm dương của người đó khác thường. Ví dụ, ai cũng biết thạch tín rất độc, nhưng có người uống thạch tín mà không bị làm sao hoặc chỉ bị dị ứng không đáng kể. Do đó, các trường hợp này mới chỉ có giá trị trên cá thể, không thể mang ra áp dụng đại trà. Tuy nhiên, ung thư cho đến nay vẫn là vấn đề khó của y học. Theo tôi không nên vội vàng phủ nhận các hiện tượng trên, mà nên có những nghiên cứu khoa học kịp thời, xác đáng