Thịnh Hành 5/2024 # Hóa Chất Điều Trị Ung Thư Dạ Dày # Top 8 Yêu Thích

Hóa chất điều trị ung thư dạ dày đã chứng minh được vai trò lớn lao của nó trong điều trị bệnh. Tuy nhiên không nhiều bệnh nhân và người nhà hiểu rõ về hóa trị dẫn đến không tránh khỏi lo lắng, run sợ khi được chỉ định. Để khắc phục điều này mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.

1. Hóa chất điều trị ung thư dạ dày là gì?

Hóa trị liệu là phương pháp dùng các loại hóa chất có cơ chế kháng ung thư – gây độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chúng phát triển và phân chia. Hiện tại đã có hơn 100 loại hóa chất được phê duyệt trong điều trị các bệnh ung thư nói chung, có thể dùng theo nhiều đường khác nhau. Đối với ung thư dạ dày thuốc thường dùng ở dạng uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

2. Điều trị ung thư dạ dày bằng hóa chất có tác dụng gì?

Đối với từng trường hợp cụ thể, dựa vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và các bệnh mắc kèm, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị liệu theo các cách sau:

2.1. Hóa trị kết hợp trước khi phẫu thuật:

Phương pháp kết hợp hóa trị trước phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ kích thước khối u. Việc này đặc biệt cần thiết với trường hợp các khối u dạ dày quá lớn, hóa trị có thể giúp thu nhỏ và làm chậm sự tăng trưởng của khối u giúp phẫu thuật loại bỏ dễ dàng, không cần cắt một vùng quá rộng hay gây biến chứng.

2.2. Hóa trị kết hợp sau khi phẫu thuật:

Đối với trường hợp bệnh nhân phẫu thuật trước đó, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng hóa trị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tế bào đã di căn, giúp điều trị triệt để và giảm nguy cơ ung thư tái phát trở lại.

2.3. Hóa trị điều trị triệu chứng:

Hóa chất trị liệu phù hợp với các trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển, nghĩa là tế bào ung thư không còn khu trú ở dạ dày mà đã xâm lấn mô xung quanh hoặc di căn cơ quan xa. Bởi hóa chất đưa vào có thể theo máu truyền đi khắp cơ thể để gây tác dụng.

Đối với giai đoạn tiến triển (giai đoạn muộn), hóa trị giúp thu nhỏ khối u, làm nó chậm phát triển, qua đó có thể giảm nhẹ các triệu chứng do khối u gây ra. Điều trị triệu chứng, giảm đau đớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

3. Tác dụng phụ khi điều trị ung thư dạ dày bằng hóa chất là gì?

Bệnh nhân và người nhà thường lo lắng, thậm chí run sợ khi bác sĩ chỉ định dùng hóa chất điều trị ung thư dạ dày vì nghe đồn hóa trị “hành” cơ thể rất nhiều. Phải công nhận rằng hóa chất sẽ gây ra các tác dụng phụ trên cơ thể người bệnh. Bởi hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư dựa vào đặc điểm các tế bào này tăng sinh nhanh, tuy nhiên ngoài tế bào ung thư thì một số tế bào thường trong cơ thể cũng tăng sinh nhanh một cách tự nhiên. Do đó, người bệnh ngoài chống chịu với các triệu chứng bệnh còn phải chịu những tác dụng phụ của hóa trị ung thư do hóa chất tiêu diệt cả các tế bào thường như:

3.1. Mệt mỏi

3.2. Rụng tóc

Tế bào nang tóc cũng tăng sinh nhanh, bị hóa chất tiêu diệt dẫn tới hiện tượng rụng tóc. Đây là tình trạng có thể xuất hiện sớm từ khi hóa trị và kéo dài, tuy nhiên có thể hết sau khi kết thúc hóa trị nên bạn có thể yên tâm. Nếu tự ti về ngoại hình bạn có thể dùng tóc giả, trùm khăn/mũ thời trang hoặc cắt tỉa tóc trước đợt hóa trị.

3.3. Rối loạn về máu

Hóa chất gây ảnh hưởng đến tủy xương – nơi các tế bào máu được sinh ra dẫn đến:

Thiếu hồng cầu: chính là tình trạng thiếu máu dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung, mất ngủ,…

Thiếu bạch cầu: làm giảm sức đề kháng của cơ thể do bạch cầu giữ chức năng miễn dịch dẫn tới tình trạng dễ bị nhiễm trùng.

Thiếu tiểu cầu: gây ra tình trạng dễ bị chảy máu và bầm tím ở da, kéo dài ngày kinh ở phụ nữ.

Các rối loạn về máu cần được theo dõi và khắc phục sớm, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc kích thích tủy xương sinh tế bào máu nếu cần.

3.4. Buồn nôn và nôn

Hóa chất trị liệu kích thích trung tâm nôn ở hành tủy gây ra tác dụng phụ buồn nôn và nôn. Đây là tình trạng thường gặp khi điều trị hóa chất ở bệnh nhân ung thư dạ dày, cần kiểm soát để tránh gây suy kiệt cho bệnh nhân. Thường bác sĩ sẽ kê thuốc chống nôn kèm theo những loại thuốc hóa trị hay gây ra tác dụng phụ này.

3.5. Tiêu chảy hoặc táo bón

Thuốc hóa trị tiêu diệt các tế bào niêm mạc ruột có thể làm giảm hấp thu thức ăn và nước gây tiêu chảy hoặc làm giảm chức năng loại bỏ chất thải của đại tràng gây táo bón.

Đây là hai tình trạng đối lập, tuy nhiên hầu hết đều có thể cải thiện qua thay đổi chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc kiểm soát.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như trên thần kinh hay tim mạch cần được theo dõi và khắc phục sớm. Người bệnh và người nhà cần ghi lại các tác dụng phụ gặp phải qua từng đợt để có biện pháp phòng ngừa và xử lí kịp thời.

4. Điều trị ung thư dạ dày bằng hóa chất có hiệu quả như thế nào?

Để đánh giá hóa chất điều trị có hiệu quả đối với bạn hay không, cần dựa vào mục tiêu điều trị ban đầu để so sánh và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Có thể tham khảo các chỉ tiêu để đánh giá như sau:

Đáp ứng hoàn toàn: đạt được mục tiêu điều trị ban đầu, các tổn thương ung thư biến mất với giai đoạn sớm, chất chỉ điểm sinh học về giới hạn bình thường, kiểm soát được triệu chứng với giai đoạn muộn.

Đáp ứng một phần: giảm được một phần kích thước khối u (so với kích thước ban đầu ít nhất 50%), giảm lượng chất chỉ điểm sinh học nếu ban đầu tăng cao.

Bệnh ổn định: giữ nguyên cả kích thước khối u dạ dày, không phát triển và di căn thêm (nếu có); chất chỉ điểm sinh học cũng giữ nguyên chỉ số, không tăng cao.

Bệnh tiến triển: hoàn toàn không đạt được mục tiêu điều trị, khối u tăng về kích thước và lan tràn, di căn; chất chỉ điểm sinh học tăng lên.

5. Ung thư dạ dày điều trị bằng hóa chất kéo dài thời gian sống được bao lâu?

Để đưa ra con số chính xác về thời gian sống sau điều trị hóa chất của bệnh nhân ung thư dạ dày là rất khó. Thực tế không có con số thống kê cho việc này vì thông thường các nghiên cứu đã thực hiện chỉ đo lường thời gian sống của người bệnh sau điều trị bằng phẫu thuật hoặc sau phối hợp các biện pháp với nhau.

Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư dạ dày theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 0: đây còn gọi là giai đoạn tiền ung thư, khả năng điều trị thành công và đạt tới ung thư chữa khỏi rất cao.

Giai đoạn 1: tiên lượng tốt với số người sống được ít nhất 5 năm sau khi điều trị đạt 8/10 người.

Giai đoạn 2: tiên lượng sống ít nhất 5 năm ở giai đoạn này là hơn 5/10 người.

Giai đoạn 3: tiên lượng sống sau 5 năm ở giai đoạn 3A là 38% và ở giai đoạn 3B là 15%.

Giai đoạn 4: đây là giai đoạn muộn với tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 5.3%, phần lớn người bệnh giai đoạn này chỉ sống được từ 1 – 2 năm.

Ung thư dạ dày nhìn chung càng các giai đoạn sau càng có tiên lượng không được tốt lắm, vì vậy việc khám sức khỏe định kì và tầm soát ung thư sớm với các đối tượng nguy cơ cao là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ điều trị ở bất kì giai đoạn nào cũng giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Nếu được chỉ định dùng hóa chất điều trị ung thư dạ dày, hi vọng bạn và người thân đã có thể biết rõ những điều cần thiết trong bài viết trên.